Chiều 8-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến tỉnh Bến Tre chỉ đạo công tác chống hạn, mặn đối với các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL.
Công bố tình huống khẩn cấp
Thủ tướng cho biết dự báo năm nay tình hình diễn biến gay gắt hơn năm 2016. Tháng 9-2019, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống hạn, mặn; đến nay, đã hạn chế tối đa thiệt hại nhờ chỉ đạo cấy sớm vụ đông xuân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là cây lúa ở vùng có khả năng nhiễm mặn. Diện tích lúa bị thiệt hại khoảng 39.000 ha, chỉ bằng 9,6% so với năm 2016 (có trên 405.000 ha lúa bị thiệt hại).
Tỉnh Cà Mau vừa công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại vùng ngọt hóa thuộc địa bàn 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời tiếp tục thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn hán; xác định và khoanh vùng những khu vực bị ảnh hưởng do hạn hán. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực triển khai ngay kịch bản ứng phó với rủi ro thiên tai do hạn hán cấp độ 2. Đồng thời, kiểm tra, gia cố, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngăn mặn bảo vệ sản xuất trong vùng thiên tai. Nếu chưa thể khắc phục ngay thì triển khai các công trình tạm để xử lý nhằm giảm thiểu nguy cơ bị thiệt hại.
Nước mặn đang gây nhiều thiệt hại cho nông dân ven biển ở ĐBSCL Ảnh: THỐT NỐT
Tương tự, tỉnh Long An cũng công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn với tình trạng thiên tai thuộc cấp độ 2. Theo đó, từ giữa tháng 11-2019, hệ thống sông Vàm Cỏ đã bắt đầu xuất hiện độ mặn, sớm hơn một tháng so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, độ mặn 1 g/l đã tiến sâu gần 90 km trên sông Vàm Cỏ Đông và hơn 100 km trên sông Vàm Cỏ Tây. Dự báo, xâm nhập mặn có khả năng khiến hơn 2.500 ha lúa bị thiệt hại trên 70%, gần 550 ha thanh long giảm năng suất trên 40% do không có nước tưới tiêu. Tỉnh Kiên Giang và tỉnh Tiền Giang cũng đã công bố tình huống hạn hán, xâm nhập mặn với cấp độ 1 rủi ro thiên tai. Tại Kiên Giang, hiện có hơn 1.500 ha lúa bị hạn mặn gây thiệt hại, nâng tổng diện tích lúa đông xuân 2019-2020 bị thiệt hại do hạn mặn trong toàn tỉnh lên trên 2.000 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện U Minh Thượng, Hòn Đất và Kiên Lương.
Đối với tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn bao phủ toàn bộ phạm vi của địa phương, trong các kỳ triều cường, hầu như không có nguồn nước ngọt cung cấp cho sản xuất và dân sinh. Bộ NN-PTNT cho biết trong tháng 3, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục tăng cao, đặc biệt đợt từ ngày 7 đến 15-3 ở cửa các sông Cửu Long. Cụ thể tại các cửa sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây), phạm vi ảnh hưởng sâu nhất từ 100-110 km; sông Cửa Tiểu và Cửa Đại, phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 60 km; sông Hàm Luông khoảng 78 km; sông Hậu khoảng 70 km… Hiện, có khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn về nước sinh hoạt (tổng số hộ dân bị gặp khó khăn năm 2015-2016 là 210.000 hộ).
Làm sớm những công trình cấp bách
Theo Bộ NN-PTNT, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh từ tháng 12-2019 và liên tục tăng cao cho đến nay, hiện đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ở ĐBSCL.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu tập trung các giải pháp trước mắt và lâu dài để phòng chống hạn, mặn. Trước hết là các biện pháp giải quyết cấp bách việc thiếu nước sinh hoạt, không thể chậm hơn. "Hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế - xã hội ở khu vực, đặc biệt là tại 5 tỉnh đã phải công bố tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn như Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau và Kiên Giang" - Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu đề xuất giải pháp công trình và phi công trình trên tinh thần Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu và trong giai đoạn 2021-2025, có công trình cấp bách nào cần làm sớm. Không chỉ đề xuất giải pháp mà cần liên hệ trách nhiệm.
Bình luận (0)