"Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh". Công luận nóng lên vì tranh cãi, các luật sư, chuyên gia tranh luận đúng - sai về pháp lý, đạo đức kinh doanh… của hành vi này nhưng phần lớn vẫn là ý kiến không đồng tình với cách làm của Taxi Vinasun.
Theo Quyết định 24 của Bộ GTVT, có 7 đơn vị được phép thí điểm ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải đến tháng 1-2018. Trong đó bao gồm Công ty TNHH Grabtaxi (Grabcar), Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội (Thanhcong Car), Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (Mailinh Car), Công ty Hợp tác đầu tư và phát triển (Home Car), Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Linh Trang (LB.Car), Công ty CP Phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao (Vic.Car). Tuy nhiên, biểu ngữ trên taxi Vinasun chỉ nhắm vào 2 đơn vị là Uber và Grab, những đối thủ đang cạnh tranh mang tính sống còn đối với taxi truyền thống hiện nay nói chung, taxi Vinasun nói riêng. Nghĩa là Taxi Vinasun lợi dụng việc phản đối quyết định 24 của Bộ GTVT "vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh", như đã nêu trong biểu ngữ dán trên xe để bêu xấu, hạ uy tín đối thủ là Uber và Grab.
Nếu thấy quyết định của Bộ GTVT "quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh", Taxi Vinasun có quyền khiếu nại, thậm chí kiện ra tòa hành chính để đòi lại công bằng; còn hành vi tổ chức cho hàng loạt taxi của hãng dán biểu ngữ "Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh" là một hình thức vi phạm luật.
Trương ra biểu ngữ "Yêu cầu Uber và Grab tuân thủ pháp luật" là cách bôi nhọ đối thủ cạnh tranh, truyền tải thông điệp Uber và Grab là những doanh nghiệp không chấp hành luật pháp của nước sở tại. Uber hay Grab có tuân thủ pháp luật hay không đã có cơ quan quản lý nhà nước định đoạt, không ai nhờ và không cần đến một hãng taxi dán biểu ngữ chạy khắp các đường phố như Taxi Vinasun đã làm cả.
Hành vi dán biểu ngữ lên phương tiện giao thông công cộng lưu thông trên đường phố của Taxi Vinasun là vi phạm pháp luật về quảng cáo: Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân (điều 8 của Luật Quảng cáo, ban hành năm 2012). Nếu căn cứ theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì hành vi của Taxi Vinasun là trái phép, phải bị xử phạt hành chính và buộc đình chỉ lập tức. Ngay Luật Cạnh tranh và Nghị định 71/2014 của Chính phủ cũng nghiêm cấm hành vi gièm pha doanh nghiệp khác, nếu vi phạm sẽ bị xử lý hành chính lên đến hàng trăm triệu đồng.
Cách làm của Taxi Vinasun đã khiến mọi người nhớ lại vụ chủ một khách sạn tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang treo băng rôn trên ô tô với nội dung bêu xấu cán bộ của phường, nơi khách sạn này tọa lạc, rồi chạy khắp nơi vào những năm trước. Sẽ thành tiền lệ xấu nếu những hành vi như thế này không bị ngăn chặn, xử lý triệt để. Không thể cứ có xung đột, bức xúc là mang biểu ngữ bêu xấu nhau rồi chạy khắp phố phường.
Bình luận (0)