Chiều ngày 18-4, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2019 và thông tin các hoạt động kỷ niệm "990 năm Thanh Hóa". Ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, chủ trì cuộc họp báo.
Ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (đứng), chủ trì cuộc họp báo
Tại cuộc họp báo, nhiều vấn đề nổi cộm từ đầu năm 2019 đến nay đã được các báo đề cập tới như việc sai phạm tại Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa); việc luân chuyển giáo viên dôi dư của Sở GD-ĐT Thanh Hóa; kinh phí cho lễ kỷ niệm "990 năm Thanh Hóa"; vì sao đổi tên lễ kỷ niệm 990 năm "Danh xưng Thanh Hóa) thành "990 năm Thanh Hóa"…
Trong đó, vấn đề kinh phí tổ chức lễ kỷ niệm "990 năm Thanh Hóa" được nhiều cơ quan báo chí quan tâm là lấy từ nguồn nào, xã hội hóa hay từ ngân sách nhà nước, tổng số tiền bao nhiêu… Về vấn đề này, các đơn vị có liên quan và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng đã trả lời để báo chí được rõ, tuy nhiên kinh phí bao nhiêu vẫn chưa được tiết lộ.
Ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết lễ kỷ niệm "990 năm Thanh Hóa" không chỉ là sự kiện chính trị văn hóa mà còn là sự kiện kinh tế, quảng bá hình ảnh Thanh Hóa, kết nối du lịch, thu hút đầu tư. "Đây là một sự kiện quan trọng, nhưng quan điểm của tỉnh là tiết kiệm hết sức có thể và chủ yếu là xã hội hóa. Hiện, Ban tổ chức có thành lập 1 tiểu ban kêu gọi tài trợ, con số bao nhiêu chưa thấy báo cáo" - ông Quyền thông tin.
Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ngân sách Nhà nước không bố trí bổ sung, dự toán ngân sách cho sự kiện này. "Tỉnh ủy cũng như UBND tỉnh khẳng định sẽ xã hội hóa, việc này là chắc chắn. Nếu có tổ chức mà đến tiền ngân sách thì các địa phương, các ngành phải bố trí tiền trong ngân sách, trong dự toán sắp sếp nhiệm vụ của mình để chi, không bổ sung ngân sách cho việc này" - ông Quyền khẳng định.
Hình ảnh về các chương trình nghệ thuật trong lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa
Về việc đổi tên lễ kỷ niệm thành "990 năm Thanh Hóa", ông Nguyễn Văn Phát, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho biết khi gửi ra Trung ương đề xuất tổ chức lễ kỷ niệm với tên gọi "990 năm Danh xưng Thanh Hóa". Tuy nhiên, sau khi được Trung ương đồng ý cho tổ chức với tên gọi "990 năm Thanh Hóa", kèm theo đó là các nội dung sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". "Tôi khẳng định tên trước và tên hiện nay có chăng nó cũng thể hiện ở phần văn bản của mình thôi, còn các nội dung liên quan vẫn thế" - ông Phát nói.
Được biết, lễ kỷ niệm "990 năm Thanh Hóa" được tổ chức vào ngày 8-5, tại quảng trường Lam Sơn, TP Thanh Hóa và được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài PT-TH Thanh Hóa, với quy mô cấp tỉnh.
Để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm này, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức nhiều hoạt động như: tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu 990 năm Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương"; tổ chức triển lãm "Thanh Hóa xưa và nay"; các chương trình nghệ thuật đặc sắc trong lễ kỷ niệm.
Theo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, nhà viết kịch Lê Quý Dương sẽ là người viết kịch bản và tổng đạo diễn dàn dựng lễ kỷ niệm "990 năm Thanh Hóa". Ông là người đã viết kịch bản và dàn dựng cho hơn 50 lễ hội và sự kiện văn hóa, nghệ thuật, giải trí tại Việt Nam và quốc tế, tiêu biểu như các chương trình Lễ Kỷ niệm 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, Lễ Kỷ niệm 310 năm Biên Hòa-Đồng Nai, Kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa-Phú Xuân và gần đây nhất là Lễ Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt-Hoa Lư, Ninh Bình…
Chương trình lễ kỷ niệm "990 năm Thanh Hóa" huy động một lực lượng nghệ sĩ, diễn viên hùng hậu với hơn 500 người, trong đó có nhiều nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam tham gia sáng tạo và biểu diễn trong chương trình như: NSND Hương Thơm, NSND Trương Hải Thọ, Nhạc sĩ NSƯT Thế Việt, NSND Trần Bình, họa sĩ Phạm Duy Phương; NSƯT Trọng Tấn, NSƯT Anh Thơ…
Bình luận (0)