Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 15-6, Quốc hội (QH) tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Cần quy định rõ ứng phó sự cố môi trường
Theo đại biểu (ĐB) Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực dầu khí có tính đặc thù cao. Bên cạnh góp công phát triển ngành dầu khí Việt Nam và nền kinh tế của đất nước, PVN cũng vướng phải những sai phạm, tiêu cực, gây ra nhiều hệ lụy cho đất nước. Ông Thắng cho rằng việc bổ sung, sửa đổi những quy định mới về tổ chức, hoạt động trong khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện cho PVN tiếp tục phát triển, đồng thời khắc phục hạn chế, sơ hở pháp luật là cần thiết.
Đi vào góp ý cụ thể, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng một trong những định hướng sửa đổi quan trọng là cần hình thành cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cũng cần thận trọng, bởi trên thực tế dầu khí là nguồn tài nguyên không tái tạo và trong những năm qua giá dầu khí luôn tăng cao. Trên cơ sở cân nhắc lợi ích quốc gia, nữ ĐB đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH đề nghị QH xem xét kỹ và không thu hút đầu tư lĩnh vực này bằng mọi giá.
ĐB Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH, nhấn mạnh vấn đề môi trường khi có sự cố tràn dầu. Theo ông, các sự cố tràn dầu không rõ nguyên nhân diễn ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại lớn về kinh tế, để lại hậu quả lâu dài đối với môi trường biển. Nguy hiểm hơn, khó phát hiện hơn, gây hậu quả lâu dài là hiện tượng dầu khí âm thầm rò rỉ, thoát ra từ các hoạt động dầu khí. Vì vậy, ông đề nghị làm rõ và bổ sung vào dự thảo luật các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí và các cơ quan quản lý trong việc xây dựng, trình duyệt và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng cần cân nhắc lợi ích quốc gia, không thu hút đầu tư nước ngoài vào dầu khí bằng mọi giá Ảnh: NGUYỄN NAM
Tiền kiểm và hậu kiểm phim trên mạng
Chiều cùng ngày, QH đã thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) với 449/467 ĐBQH tham gia tán thành. Luật có 8 chương, 48 điều và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023. Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật Điện ảnh là việc phổ biến phim trên không gian mạng.
Trước khi QH thông qua, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thẩm tra giải trình, tiếp thu về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết về phổ biến phim trên không gian mạng theo điều 21 của luật có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất được đa số ĐBQH và các cơ quan, tổ chức đồng tình, đó là kết hợp biện pháp tiền kiểm với hậu kiểm.
Theo đó, tiền kiểm bao gồm quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về đối tượng được phép phổ biến phim trên không gian mạng; tiêu chí phân loại phim, kiểm soát việc thực hiện tự phân loại phim, yêu cầu cơ sở điện ảnh phổ biến phim trên không gian mạng phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về danh sách phim, mức phân loại phim trước khi phổ biến.
Biện pháp hậu kiểm bao gồm các quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan, việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp kỹ thuật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ phim vi phạm, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm. UBTVQH và Chính phủ cho rằng tiền kiểm kết hợp với hậu kiểm là phù hợp.
Cũng trong chiều 15-6, với đa số ĐB tán thành, QH đã thông qua Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024. Một trong những nội dung đáng chú ý là danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" để tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Theo đó, khoản 1 điều 66 được thiết kế gồm 2 điểm. Trong đó, điểm a kế thừa quy định các đối tượng của luật hiện hành đang được thực hiện ổn định. Cụ thể là danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" để tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm: Diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, phát thanh viên. Điểm b quy định "Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này do Chính phủ quy định". Như vậy QH chưa luật hóa danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" cho nhà văn, kiến trúc sư.
Về ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung hình thức "Thư khen", UBTVQH không luật hóa hình thức này vì nếu luật hóa, một mặt sẽ không tạo sự chủ động, linh hoạt; mặt khác phải xác định chủ thể có thẩm quyền quyết định tặng.
Hôm nay (16-6), ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 3, QH sẽ bấm nút thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có các nghị quyết về chủ trương đầu tư: Dự án đường Vành đai 3 TP HCM; dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1); cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1).
Phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2020
Với 453/457 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, sáng 15-6, QH đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2.279.735.577 triệu đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2.352.929.840 triệu đồng. Bội chi ngân sách nhà nước là 216.405.589 triệu đồng, bằng 3,44% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương gồm: Vay trong nước 178.515.161 triệu đồng; vay ngoài nước 34.573.432 triệu đồng. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 436.059.742 triệu đồng.
Nghị quyết của QH cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước niên độ ngân sách nhà nước năm 2020 và việc không thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đối với niên độ ngân sách nhà nước từ năm 2019 trở về trước theo các nghị quyết của QH.
Bình luận (0)