Theo bà Trâm, qua rà soát vụ việc, có phát sinh một số nội dung cần thời gian thẩm tra, đối chiếu với các quy định để tìm phương án xử lý phù hợp. "Tỉnh phát triển các dự án đầu tư nhưng phải bảo đảm việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Dự án này nằm trong vùng di tích nhạy cảm nên phải xem xét thấu đáo các yếu tố để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra" - bà Trâm nêu quan điểm.
Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Nama nằm sát Đại nội Huế, tiếp giáp 3 tuyến đường Nguyễn Chí Diểu, Hàn Thuyên, Đoàn Thị Điểm do Công ty TNHH Đầu tư du lịch Kinh Thành làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp quyết định chủ trương đầu tư lần đầu vào tháng 11-2015, thời gian hoạt động 50 năm trên diện tích 6.338 m2, tổng vốn đầu tư gần 197 tỉ đồng. Khu vực triển khai dự án hiện vẫn thuộc khu vực bảo vệ 1 di tích - di tích Khâm Thiên Giám (di sản cấp I thuộc quần thể di tích cố đô Huế đã được công nhận Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993).
Phối cảnh dự án khu nghỉ dưỡng Nama đã được Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế thẩm định
Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết do khu vực này trong vùng bảo vệ 1 di tích nên bị vướng thủ tục đất đai. Tuy nhiên, trải qua nhiều mốc thời gian, khu vực này đã chồng lấn các giai đoạn kiến trúc. Đợt khảo cổ năm 2006 xuất hiện kiến trúc mờ nhạt, không có tài liệu, cơ sở để phục dựng lại công trình từng tồn tại. Vì vậy, theo ông Tuấn, chỉ nên ghi nhận đó là địa điểm di tích để nghiên cứu, bảo tồn địa điểm. Ngoài ra, khu vực triển khai dự án chỉ nằm cạnh khu vực di tích Khâm Thiên Giám hiện còn sót lại. Ông Tuấn nhấn mạnh: "Cho rằng đây là khu vực bảo vệ 1 di tích thì phải có phương án phục hồi nhưng ở đây công trình không rõ ràng. Để lâu làm gì? Nên có dự án với một kiến trúc hài hòa để phát triển trên nguyên tắc bảo đảm quy định. Vì vậy, để thực hiện dự án, phải giải quyết vướng mắc về đất đai, cụ thể là điều chỉnh quy hoạch hoặc điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích".
TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho rằng dựa trên sự so sánh giữa thành phố di sản và di tích để bảo vệ và có thái độ ứng xử khác nhau. Khu vực bảo vệ 1 đối với di tích phải giữ nguyên trạng và khu vực bảo vệ 2 đối với thành phố di sản phải được thích nghi để phát triển. Theo TS Đặng Văn Bài, cần phải đưa khái niệm thành phố di sản vào để không đông cứng, để người dân "sống" được. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (TP Huế) cũng khẳng định việc quản lý, bảo tồn đi đôi với phát triển.
Không thể tùy tiện
GS-TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, khẳng định trong khu vực bảo vệ 1 di tích theo quy định không được phép xây dựng bất cứ công trình nào. Việc xây dựng chỉ được tiến hành ở khu vực bảo vệ 2 nhưng đã quy định những cái được làm, làm như thế nào chứ không thể tùy tiện. "Xây dựng khu resort ở khu vực bảo vệ 1 di tích là không được vì 2 công năng khác nhau. Trên nền tảng phế tích thì phải nằm trong dự án tổng thể, cả một quần thể phế tích như thế thì người ta làm những gì để lưu lại những nội dung giá trị của di tích ấy. Phải giữ tuyệt đối những cái gì sót lại. Có thể làm một số công trình khác nhưng phải hài hòa, không che lấp dấu tích nền móng và di tích đó" - GS-TS Trương Quốc Bình phân tích.
Bình luận (0)