ĐBSCL được xem là vựa lúa, vựa trái cây và vựa thủy sản lớn nhất cả nước. Với lợi thế sở hữu nhiều "cái nhất" như vậy, thời gian qua, nhiều địa phương trong khu vực liên tiếp tổ chức ngày hội, lễ hội với việc xác lập kỷ lục những món ngon để giới thiệu, quảng bá đặc sản địa phương đến với du khách trong và ngoài nước. Các hoạt động này đem lại hiệu ứng rõ nét khi thu hút được lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần kích cầu du lịch hiệu quả sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Xác lập hàng loạt kỷ lục
Tại Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 vừa được tổ chức ở tỉnh Bạc Liêu, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã công bố xác lập kỷ lục Việt Nam về 122 món ăn được chế biến từ tôm và muối Bạc Liêu.
Mới đây, Ngày hội Mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản vùng miền năm 2022 đã được tổ chức tại TP Châu Đốc - nơi được mệnh danh là thủ phủ mắm của Nam Bộ với sự tham gia của 20 tỉnh, thành trên cả nước. Tại đây, VietKings đã trao bằng và huy hiệu xác nhận kỷ lục "TP Châu Đốc, tỉnh An Giang - Địa phương có nhiều cơ sở sản xuất mắm Nam Bộ nhất tại Việt Nam".
Đất sen hồng Đồng Tháp cũng đã tổ chức Lễ hội Sen với chủ đề "Sen ngày mới" để vinh danh 200 món ăn được chế biến từ sen và được VietKings công nhận. Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp còn tổ chức Lễ hội Xoài với chủ đề "Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh" và Lễ hội "Cá tra vươn ra biển lớn".
Những đầu bếp chế biến 122 món ăn từ tôm và muối Bạc Liêu Ảnh: PHÚC NGUYÊN
Trong khi đó, tỉnh Hậu Giang cũng được VietKings xác lập kỷ lục chế biến và công diễn hơn 200 món ăn được chế biến từ cá thát lát và khóm Cầu Đúc. Sắp tới, tại tỉnh Cà Mau sẽ diễn ra Ngày hội Cua Cà Mau với chủ đề "Điểm hẹn văn hóa ẩm thực" và lễ xác lập kỷ lục 69 món ăn được chế biến từ cua Cà Mau...
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhìn nhận việc tổ chức ngày hội và lễ xác lập kỷ lục là cơ hội để tỉnh giới thiệu, quảng bá thương hiệu cua Cà Mau cùng các loại đặc sản địa phương đến du khách trong và ngoài nước.
Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng việc xác lập kỷ lục 122 món ăn được chế biến từ tôm và muối không chỉ nhằm tôn vinh giá trị con tôm và hạt muối mà còn tạo cơ hội phát triển cho ngành ẩm thực của tỉnh gắn với 2 đặc sản này, từ đó góp phần phục vụ phát triển du lịch cũng như kinh tế - xã hội nói chung. "Chỉ trong thời gian ngắn diễn ra lễ hội, đã có hơn 50.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến tỉnh Bạc Liêu tham quan, nghỉ dưỡng" - ông Duy thông tin.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Lễ hội "Cá tra vươn ra biển lớn" nhằm cổ vũ, động viên và ghi nhận sự đóng góp của ngành hàng cá tra với kinh tế địa phương; giới thiệu và tôn vinh hình ảnh, sản phẩm cá tra, ngành nghề truyền thống của địa phương; khẳng định giá trị, nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu cá tra Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng. Lễ hội cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nông dân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin thị trường, khoa học - kỹ thuật và thiết bị công nghệ ứng dụng trong ngành thủy sản.
Cần chiến lược dài hơi
Nhiều ý kiến cho rằng tổ chức các ngày hội, lễ hội và xác lập kỷ lục chỉ là bước đầu tiên trong chiến lược xây dựng hình ảnh địa phương gắn với sản phẩm du lịch, đưa thương hiệu nông sản của khu vực ĐBSCL đến với người tiêu dùng.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng Ngày hội Mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản vùng miền năm 2022 đã tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các nhà sản xuất và đầu mối tiêu thụ, định hướng phát triển sản xuất theo nhu cầu thị trường. "Ngày hội không chỉ tạo điều kiện thu hút khách du lịch đến TP Châu Đốc, giới thiệu sản phẩm du lịch, đặc sản của tỉnh An Giang mà còn là cơ hội kết nối các vùng miền, tạo điều kiện đẩy mạnh giao thương sau khi ngày hội kết thúc" - ông Thư khẳng định.
Người dân vùng "thủ phủ" tôm, cua ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu rất phấn khởi khi những đặc sản do họ sản xuất đã được giới thiệu, quảng bá thông qua các ngày hội, lễ hội. Lão nông Nguyễn Văn Bá (ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) hào hứng: "Tuy còn mấy ngày nữa mới đến Ngày hội Cua Cà Mau nhưng cua thương phẩm đã bắt đầu tăng giá. Chúng tôi hy vọng sau khi ngày hội kết thúc, đặc sản cua Cà Mau sẽ thoát cảnh giá cả lên xuống thất thường như thời gian qua".
Nhiều nông dân tỉnh Cà Mau bày tỏ sau các ngày hội, địa phương cần có chiến lược dài hơi để phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm cua Cà Mau; không nên chạy theo phong trào "ai có mình cũng có" để rồi bỏ phế sau khi xác lập kỷ lục.
Theo lão nông Nguyễn Văn Bình (ngụ tỉnh Bạc Liêu), trong khuôn khổ sự kiện Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu diễn ra vào tháng 11-2022, có hội thảo khoa học về giải pháp phát triển chuỗi giá trị ngành tôm và muối. Tại đây, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển nghề bền vững.
"Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tiễn là cả con đường dài, cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng. Tôi cho rằng việc xác lập kỷ lục chỉ thành công khi nông sản của nông dân bán được với giá cao, chúng tôi không phải sống trong phập phồng lo lắng "được mùa mất giá" và ngược lại" - ông Bình trăn trở.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, nguyên Phó trưởng Khoa Phát triển nông thôn - Trường ĐH Cần Thơ, nhìn nhận thông qua các cuộc thi, lễ hội, ngày hội được tổ chức trong nước và quốc tế, sản phẩm nông nghiệp được quảng bá và người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội, cần cải tiến các khâu sản xuất, chế biến theo hướng tốt hơn, chất lượng hơn để tạo sự tin cậy với khách hàng.
Xử lý nghiêm việc quảng bá sai sự thật
Tại "Ngày hội văn hóa ẩm thực 1.000 món ngon xưa và nay" tổ chức tại Làng Du lịch sinh thái Ông Đề, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ mới đây, nhiều du khách cho rằng ban tổ chức đã "nổ" về số lượng món ngon. Bởi lẽ, nhìn vào danh sách 1.000 món ngon, nhiều người khá bất ngờ khi bên cạnh nhiều món như cá viên chiên, hột é, xoài lắc, cơm lam, cà phê đá, bánh ú, bánh tét, nem nướng, các loại bánh dân gian..., còn có một số "món lạ" như: áo thun, kẹp tóc, nước hoa, bàn chải đánh răng, vải các loại...
Sau sự kiện này, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã ký công văn giao giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố; chủ tịch UBND quận, huyện tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, sự kiện/hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh TP Cần Thơ thì xử lý nghiêm theo quy định.
TS TRẦN HỮU HIỆP, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL:
Phải có chỗ đứng bền lâu
Năm 2022 ghi nhận sự nở rộ các kỷ lục mới tại nhiều sự kiện ở các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ. Những ngày cuối tháng 12 như những nét bút cuối cùng hoàn tất "bản đồ ẩm thực miền Tây".
Từ 15 năm trước, Philip Kotler, cha đẻ của marketing hiện đại, đã nhận định: Nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới, Ấn Độ là văn phòng của thế giới thì Việt Nam hãy là "bếp ăn của thế giới". Ẩm thực Việt nói chung và ẩm thực miền Tây Nam Bộ nói riêng rất độc đáo, hấp dẫn, đa dạng, phong phú, giàu chất dinh dưỡng và mang đậm bản sắc văn hóa, có chỗ đứng quan trọng trên bản đồ ẩm thực thế giới.
Tiếp thị địa phương, xúc tiến du lịch thông qua ẩm thực là cách làm thiết thực. Việc tổ chức các sự kiện ẩm thực, xác lập kỷ lục như vừa qua là cần thiết cho việc tiếp thị, quảng bá hình ảnh nhưng quan trọng hơn là "hậu kỷ lục". Do đó, chúng ta cần xây dựng, phát triển các thương hiệu địa phương, vùng miền gắn với nhãn hiệu hàng hóa hay doanh nghiệp cụ thể.
Ngoài ra, ý tưởng marketing cho dịch vụ ẩm thực cần được thực hiện với sự trợ giúp của công nghệ cũng như công cụ truyền thông phù hợp. Cũng cần quan tâm đến việc thổi hồn văn hóa, giá trị tri thức bản địa vào ẩm thực miền Tây Nam Bộ để những món ngon có chỗ đứng lâu bền trong lòng du khách và người tiêu dùng, không chỉ dừng lại ở các sự kiện rồi rơi vào quên lãng.
Bình luận (0)