Sáng 23-2, liên quan bài viết "Tiếng kêu cứu bên trạm BOT đường tránh Biên Hòa" (Báo Người Lao Động đăng ngày 22-2; phản ánh tình trạng bất cập tại khu vực trạm BOT đường tránh Biên Hòa- khu vực huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), đoàn công tác Cục Quản lý Đường bộ 4 (thuộc Tổng Cục đường bộ) đã có buổi khảo sát tại hiện trường.
Theo một lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ 4, đoàn đã ghi nhận thực tế, nắm thông tin và sẽ tổng hợp để báo cáo lên Tổng Cục đường bộ. "Hiện chúng tôi tổng hợp thông tin khu vực dải phân cách cứng trước trạm BOT Trảng Bom nơi bà con phản ánh có những bất cập và báo cáo lên Tổng Cục xem xét cụ thể để có hướng xử lý", vị này nói.
Khu vực dải phân cách cứng kéo dài, nơi phóng viên Báo Người Lao Động bị hành hung
Sáng cùng ngày, ông Lê Huy Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom- nơi đặt trạm thu phí- cho biết địa phương có tham gia buổi khảo sát, ghi nhận tình hình khu vực dải phân cách và bước đầu phía đoàn công tác đang tập hợp thông tin, tình hình liên quan.
Có khá đông phóng viên báo chí tập trung tại khu vực hiện trường, tuy nhiên buổi khảo sát của đoàn công tác khá chóng vánh và các phóng viên không được phép tiếp cận buổi làm việc tại khu nhà điều hành trạm thu phí.
Một số người dân khu vực được cho là bị ảnh hưởng bởi việc đặt dải phân cách tại trạm thu phí đã tiếp tục đến hiện trường để phản ánh, kêu cứu.
Ông Trần Ðức Bài (ngụ xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom - nhà ngay sát trạm BOT Trảng Bom) cho rằng, trạm BOT cản trở khiến gia đình ông nhiều năm nay không thể kinh doanh "khách bỏ đi hết, nhà tôi từ đất vàng thành đất đen, còn bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, khói bụi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe", ông Bài bức xúc.
Văn phòng điều hành trạm thu phí đặt ngay tại khu vực
Về vụ việc phóng viên Báo Người Lao Động bị hành hung khi tác nghiệp tại đây, trả lời báo chí, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng như lãnh đạo huyện Trảng Bom khẳng định đã chỉ đạo các bộ phận liên quan nhanh chóng làm rõ, xử lý.
Theo xác minh ban đầu, 2 đối tượng có hành vi hành hung phóng viên sống tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
Người dân tiếp tục đến hiện trường phản ánh sự việc sáng 23-2
Vào đầu giờ chiều 20-2, phóng viên Nguyễn Văn Tuấn của Báo Người Lao Động được phân công đến xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai để ghi nhận ý kiến người dân, chính quyền, nhà đầu tư về việc xử lý bất cập liên quan đến dải phân cách cứng trước trạm thu phí đường tránh Biên Hòa (thường gọi là trạm BOT Trảng Bom).
Sau khi thu thập ý kiến, phóng viên tiến hành chụp ảnh dải phân cách thì bị 2 đối tượng đi xe máy không đội mũ bảo hiểm hành hung và dùng gậy gỗ truy đuổi. Hình ảnh của những người này được camera ghi lại.
Hai đối tượng được cho là hành hung phóng viên bị camera ghi lại
Sau đó, phóng viên Nguyễn Văn Tuấn đã đến Công an xã Trung Hòa trình báo sự việc, đồng thời gọi điện thông báo tình hình đến Trưởng Công an huyện Trảng Bom và Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã ký văn bản gửi Công an tỉnh Đồng Nai, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai và Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Đồng Nai để đề nghị điều tra, chỉ đạo điều tra làm rõ sự việc phóng viên Báo Người Lao Động bị hành hung và truy đuổi khi đang tác nghiệp trên địa bàn tỉnh này...
Bình luận (0)