Trưa 21-2, hầu hết người dân ở khu vực dải phân cách cứng trước trạm thu phí BOT đường tránh Biên Hòa (thường gọi là trạm BOT Trảng Bom) bày tỏ sự bức xúc khi kể lại sự việc phóng viên Báo Người Lao Ðộng bị hành hung và truy đuổi khi đang tác nghiệp.
"Họ nói nhà báo thì càng "xử" nặng"
Ông Trần Ðức Bài (ngụ xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Ðồng Nai - nhà ngay sát trạm BOT Trảng Bom) kể lại: Khoảng 14 giờ 48 phút ngày 20-2, ông gặp phóng viên Nguyễn Văn Tuấn để cung cấp thông tin xung quanh những bức xúc về dải phân cách cứng kéo dài hơn 300 m đến trạm BOT Trảng Bom nhiều năm nay nhưng không được giải quyết, làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh và đời sống của người dân địa phương.
"Sau khi trao đổi xong, anh Tuấn ra Quốc lộ 1 để ghi hình về dải phân cách gần trạm thu phí. Lúc ấy, 2 người đàn ông ngồi xe máy không đội mũ bảo hiểm, cầm theo khúc gỗ bất ngờ xuất hiện, xộc đến chỗ anh Tuấn đang đứng. Một đối tượng đầu trọc xông vào đấm anh Tuấn 2 phát vào mặt, người còn lại cầm khúc cây đuổi theo đánh anh. Phóng viên Nguyễn Văn Tuấn chạy sang bên kia đường kêu cứu và nhờ người dân xung quanh hỗ trợ. Chỉ đến khi thấy người dân đến đông, 2 người đàn ông này mới lên xe máy rời khỏi hiện trường" - ông Bài nhớ lại và cho biết họ quá hung hãn.
Khi nhắc lại vụ việc, một phụ nữ bán nước giải khát gần hiện trường (đề nghị giấu tên) cho rằng 2 đối tượng tấn công phóng viên Nguyễn Văn Tuấn không coi ai ra gì. "Khi thấy phóng viên Nguyễn Văn Tuấn bị tấn công, một số người dân nói với 2 đối tượng này: "Nhà báo đó, sao dám đánh?". Lúc này, một đối tượng hùng hổ tuyên bố: Gặp ai chụp ảnh cũng đánh, nhà báo thì càng "xử" nặng hơn" - người phụ nữ kể.
Theo chị này, khi thấy nhà báo đang tác nghiệp mà bị hành hung, nhiều người rất bức xúc nhưng không dám vào can ngăn hay vây bắt vì cả 2 đối tượng rất hung hãn, còn cầm hung khí trên tay.
Người dân địa phương còn cho hay khi một số người quay clip chia sẻ thông tin lên mạng thì lập tức bị kẻ lạ mặt gọi điện uy hiếp, yêu cầu gỡ hình ảnh, bài viết; nếu không sẽ cho người đến tận nhà "xử đẹp". Trong đó, ông T., vì quá bức xúc vụ việc nên đã chia sẻ thông tin lên trang Facebook cá nhân, đồng thời đăng tải clip và hình ảnh 2 đối tượng đánh phóng viên để công an vào cuộc truy tìm. Từ 22 giờ đến 23 giờ ngày 20-2, ông T. liên tục nhận được cuộc gọi đe dọa yêu cầu gỡ bỏ bài viết.
Kẻ cầm cây gỗ đuổi đánh anh Nguyễn Văn Tuấn. (Ảnh người dân cung cấp)
Ông T. khẳng định những người gọi điện "khủng bố" tinh thần ông còn tuyên bố chính là kẻ đã đánh và truy đuổi phóng viên Tuấn. Theo ông T., tất cả thông tin về 2 đối tượng này ông đã cung cấp cho Công an huyện Trảng Bom và Công an tỉnh Ðồng Nai.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Ðộng, 2 đối tượng hành hung và truy đuổi phóng viên đã chuẩn bị sẵn kế hoạch từ khi anh Tuấn tiếp xúc với các hộ dân. Cụ thể, 2 đối tượng này đóng giả là tài xế xe container lảng vảng gần khu vực trạm thu phí và thủ sẵn khúc gỗ để tấn công. Khi phát hiện phóng viên Tuấn tiếp xúc với người dân địa phương rồi đi ra hiện trường ghi hình, cả hai liền chạy xe máy tới hành hung rồi tẩu thoát. Sự việc diễn ra rất nhanh khiến anh Tuấn và người dân không lường trước được.
Theo một số người dân, đối tượng cạo trọc đầu trực tiếp đánh anh Tuấn tên là Phong (nói giọng miền Trung), còn đối tượng cầm cây gỗ đã đậu xe container đầu kéo gần trạm thu phí từ sáng sớm. "Nhà báo còn bị tấn công như vậy thì thử hỏi người dân chúng tôi ai còn dám đứng ra khiếu nại? Mong cơ quan chức năng sớm điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng côn đồ coi trời bằng vung này" - chị H. (ngụ xã Trung Hòa) mong mỏi.
Kẻ điều khiển xe máy là đối tượng đánh phóng viên. (Ảnh người dân cung cấp)
Làm rõ, xử lý nghiêm
Liên quan chuyện này, chiều 21-2, bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, khẳng định đã nắm vụ việc và chỉ đạo các đơn vị liên quan ráo riết vào cuộc.
"Sau khi xảy ra sự việc, phóng viên Nguyễn Văn Tuấn có gọi điện trực tiếp cho tôi. Sự việc này huyện đã nắm rồi, công an huyện và xã cũng nắm rồi. Huyện đã chỉ đạo làm rõ và xử nghiêm. Chúng tôi sẽ làm việc đúng tinh thần trách nhiệm" - bà Vũ Thị Minh Châu nhấn mạnh.
Ông Lê Tuấn Anh, Bí thư Huyện ủy Trảng Bom, cũng cho biết đã nắm nội dung vụ việc. Theo ông Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện và lãnh đạo Công an huyện đã trực tiếp chỉ đạo làm rõ. "Bước đầu cho thấy 2 đối tượng này không phải người địa phương. Hiện chúng tôi đã chỉ đạo công an cương quyết xử lý" - ông Lê Tuấn Anh nói.
Theo thượng tá Lê Mạnh Hùng, Trưởng Công an huyện Trảng Bom, ông đã được bí thư và chủ tịch huyện chỉ đạo nhanh chóng làm rõ vụ việc.
Trong khi các cơ quan chức năng huyện Trảng Bom đều khẳng định nắm vụ việc và cương quyết xử nghiêm, ngay trong ngày 21-2, tại buổi làm việc với phóng viên Báo Người Lao Ðộng, ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Công ty CP Ðầu tư Ðồng Thuận (nhà đầu tư dự án), cho rằng chưa nghe thông tin hay báo cáo từ phía trạm thu phí về việc anh Tuấn bị hành hung.
"Việc này không có ai báo tôi cả. Những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, chúng tôi không liên quan mà do công an địa phương giải quyết" - ông Khang nói.
Khi được đề nghị nêu quan điểm về việc phóng viên Báo Người Lao Ðộng bị 2 đối tượng lạ mặt hành hung và truy đuổi khi đang chụp ảnh dải phân cách cứng trước trạm BOT Trảng Bom có liên quan gì đến nhà đầu tư BOT hay không, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 - Tổng cục Ðường bộ Việt Nam, cho biết: "Tôi đã liên lạc, trao đổi với nhà đầu tư BOT để hỏi. Họ khẳng định họ không biết và không chỉ đạo hay liên quan gì đến việc phóng viên bị hành hung" (!?).
Trước diễn biến trên, trưa 22-2, lãnh đạo Phòng Tham mưu - Công an tỉnh Ðồng Nai cho biết lãnh đạo công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện Trảng Bom khẩn trương làm rõ vụ việc để xử nghiêm. "Khi có kết quả, chúng tôi sẽ chủ động thông tin đến cơ quan báo chí" - lãnh đạo Phòng Tham mưu Công an tỉnh Ðồng Nai nhấn mạnh.
Hội Nhà báo TP HCM lên tiếng
Liên quan vụ việc phóng viên Nguyễn Văn Tuấn của Báo Người Lao Ðộng bị hành hung, Hội Nhà báo TP HCM vừa có công văn gửi Công an tỉnh Ðồng Nai.
Công văn do ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM - ký nêu rõ: "Hội Nhà báo TP HCM cho rằng đây là sự việc nghiêm trọng gây tổn hại về sức khỏe và tinh thần đối với nhà báo... Hội Nhà báo TP HCM đề nghị Công an tỉnh Ðồng Nai chỉ đạo các đơn vị chức năng sớm điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng đã tham gia hành hung, cản trở việc tác nghiệp của phóng viên Nguyễn Văn Tuấn" .
Ðại diện Tổng cục Ðường bộ sẽ đến hiện trường
Sau bài viết "Tiếng kêu cứu bên trạm BOT đường tránh Biên Hòa" đăng trên Báo Người Lao Ðộng số ra ngày 21-2, sáng cùng ngày, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Ðường bộ Việt Nam, cho biết đã giao Cục Quản lý Đường bộ 4 xem xét, giải quyết việc liên quan dải phân cách cứng trước trạm BOT Trảng Bom.
Dải phân cách cứng phía Ðông trước trạm BOT Trảng Bom đã khiến cuộc sống các hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Sáng cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Ðộng, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ 4 - Tổng cục Ðường bộ Việt Nam, nói sẽ cử đoàn công tác do ông Nguyễn Ðình Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ 4, dẫn đầu để đi khảo sát, đánh giá lại hiện trạng tại khu vực, sau đó đề xuất việc mở dải phân cách sao cho hợp lý và bảo đảm an toàn giao thông.
"Khảo sát xong, đoàn sẽ lập biên bản hiện trường, sau đó Cục Quản lý Đường bộ 4 sẽ có văn bản gửi Tổng cục Ðường bộ Việt Nam để xin ý kiến. Sau khi xin ý kiến Tổng cục Ðường bộ Việt Nam, Cục Quản lý Đường bộ 4 sẽ chỉ đạo nhà đầu tư BOT mở dải phân cách cũng như gắn biển báo sao cho bảo đảm điều kiện quay đầu, bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống trong khu vực cũng như bảo đảm an toàn giao thông" - Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ 4 khẳng định.
Bình luận (0)