Quy định 41 có 4 chương, 12 điều, nêu rõ các nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ. Quy định mới này đáp ứng kịp thời yêu cầu, đòi hỏi của thực tế, tạo thuận lợi hơn trong công tác bố trí, sử dụng và quản lý cán bộ.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk trao quyết định điều động công tác cho các cán bộ. Ảnh: TTXVN
Thực tế, cán bộ dôi dư so với biên chế còn nhiều, trong đó có không ít người không đáp ứng được công việc theo yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Do đó, số cán bộ dôi dư trở thành gánh nặng cho cơ quan, đơn vị. Trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, số lao động vượt định biên không phải là ít. Tình trạng cán bộ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" hầu như ở đâu cũng có. Giải quyết cho thấu tình, đạt lý tình trạng này quả không đơn giản chút nào, bởi cơ chế, chính sách, quy chuẩn, quy trình còn vướng nhiều chỗ; chuyện "con anh, cháu tôi" nhiều khi cũng ràng buộc... Tình trạng chồng chéo công việc, biên chế dôi dư nhưng chậm được xử lý còn gây khó khăn trong việc bố trí sử dụng cán bộ, ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách tiền lương, quỹ phúc lợi của từng cơ quan, đơn vị.
Quy định 41 ra đời một mặt giúp nâng cao sức chiến đấu trên "mặt trận" chống tham nhũng, tiêu cực; một mặt góp phần động viên, bảo vệ sự trong sáng của đội ngũ cán bộ hiện nay. Quy định 41 cũng là cẩm nang hành động, mở ra hướng xử lý đúng đắn đối với những trường hợp lâu nay gặp "vướng víu". Các nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ đặt ra trong quy định này chính là những điểm mấu chốt để xóa bỏ tình trạng ỷ lại, dựa dẫm, thao túng, bao che hoặc nâng đỡ không trong sáng trong việc xem xét, đánh giá, nhận xét cán bộ để xử lý từng trường hợp cụ thể vào cuối nhiệm kỳ hoặc trong các đợt lấy phiếu tín nhiệm theo quy định.
Quy định 41 thể hiện sự kiên quyết của Đảng trong công tác cán bộ; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trước yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới. Từ đó, tạo ra được đội ngũ cán bộ vừa "hồng" vừa "chuyên" đáp ứng cả trước mắt và lâu dài, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị; nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ tâm, đủ tầm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của trung ương.
Thực tiễn cũng đang đòi hỏi việc miễn nhiệm, từ chức cần được mọi cán bộ xem là điều bình thường.
Bình luận (0)