Sáng 5-3, UBND TP HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác tiếp công dân, xử lý đơn trên địa bàn TP năm 2019. Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu chủ trì hội nghị.
Số đơn xử lý đạt gần 95%
Phó trưởng Ban Tiếp công dân TP Phan Thanh Tuấn cho biết trong năm 2019, TP đã tiếp hơn 32.000 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; nhận 46.426 đơn, đã xử lý 35.011 đơn, đạt gần 95%. Đáng chú ý, UBND TP đã tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn. Điển hình như lãnh đạo TP đã trực tiếp tiếp công dân để lắng nghe, chỉ đạo giải quyết liên quan đến các dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2, Khu Công nghệ cao ở quận 9, Thảo Cầm Viên mới ở huyện Củ Chi; khu nhà ở và văn phòng làm việc tại số 1 Bis -1 Kép Nguyễn Đình Chiểu ở quận 1.
Đại diện Ban Tiếp công dân TP nhìn nhận tuy có những chuyển biến tốt hơn tiếp dân định kỳ, đột xuất và thường xuyên nhưng ở một số đơn vị còn thấp, việc tiếp dân còn lúng túng, chưa đồng bộ. Lãnh đạo một số đơn vị chưa thật sự quan tâm, chưa sâu sát, quyết liệt trong việc chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện để tham mưu kịp thời UBND TP giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định.
Ngoài ra, việc thụ lý giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm, quá thời gian quy định, có trường hợp tồn đọng, kéo dài. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các sở - ngành và UBND các quận - huyện chưa chặt chẽ, đơn vị thụ lý có văn bản đề nghị cung cấp thông tin nhưng lại không xác định thời hạn phúc đáp, không thường xuyên theo dõi kết quả để đôn đốc thực hiện hoặc có văn bản qua lại, lòng vòng... dẫn đến nhiều việc tồn đọng, kéo dài gây bức xúc cho công dân.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Ngô Minh Châu phát biểu chỉ đạo hội nghị
Linh hoạt hình thức tiếp dân
Tại hội nghị, một số sở, ngành đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này. Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy cho rằng UBND TP cân nhắc kiến nghị trung ương nên có chế định luật sư công để hỗ trợ chính quyền trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là khi tranh tụng ở các phiên tòa hành chính. Đặc biệt, nên mở rộng, linh hoạt hình thức tiếp công dân thay vì chỉ tiếp ở trụ sở tiếp công dân. "Có thể tới tận nhà tiếp công dân. Vấn đề này hiện nay pháp lý chưa rõ ràng nên đề xuất sửa Luật Tiếp công dân" - ông Bảy nói. Ông cũng kiến nghị liên thông giữa Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo để xử lý tình trạng lòng vòng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong khi đó, Phó Chánh Thanh tra TP Trần Thanh Tùng kiến nghị Ban Tiếp công dân TP chủ động đánh giá hiệu quả ứng dụng phần mềm quản lý hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo gắn với việc triển khai sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Chính phủ xây dựng.
Ghi nhận những kiến nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu cho rằng đơn khiếu nại, tố cáo trong năm 2019 có tăng nhẹ so với năm 2018, nội dung khiếu nại nhiều nhất vẫn là nhà đất, xây dựng chiếm từ 70%-80%. "Đây là nội dung mà các sở - ngành, quận - huyện cần tập trung trong thời gian tới" - Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo. Đối với các vụ khiếu nại kéo dài, cần rà soát, hệ thống lại và lãnh đạo đơn vị phải ngồi lại giải quyết đến nơi đến chốn và có lộ trình, quyết tâm trong 6 tháng đầu năm phải giải quyết dứt điểm. Khi giải quyết phải đúng luật nhưng cũng phải hợp tình hợp lý.
Ông cũng yêu cầu UBND các cấp kiện toàn đội ngũ tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. "Nếu cán bộ nào làm tốt thì sau 2 năm có thể bố trí công việc mới xứng đáng, tránh trường hợp không làm được việc mới đưa về tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo" - ông Ngô Minh Châu lưu ý. Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP giao Văn phòng UBND TP chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính trong việc liên thông phần mềm quản lý hồ sơ khiếu nại, tố cáo đến sở - ngành, quận - huyện và liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra, ông cũng giao thanh tra các cấp tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là thanh tra, kiểm tra vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: "Các đơn vị phải xác định công tác này là một nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, phải gắn liền với khen thưởng, kỷ luật".
Vụ việc phức tạp, cấp trưởng phải "ra tay"
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Ngô Minh Châu, chủ tịch UBND các quận - huyện, thủ trưởng các sở - ngành phải dành thời gian tiếp công dân. Nhất là các trường hợp, vụ việc phức tạp, cấp trưởng phải "ra tay", còn cấp phó phụ trách mảng được phân công tiếp công dân.
Đồng tình, ông Trần Văn Bảy chia sẻ để công tác tiếp công dân đạt hiệu quả cần xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, không được né tránh việc tiếp công dân.
"Trước khi tiếp, người đứng đầu phải dành thời gian đi khảo sát thực tế để nắm vấn đề. Thành lập tổ tư vấn pháp lý để nghiên cứu, tư vấn cho chủ tịch UBND quận các vụ việc phức tạp, có tính pháp lý khác nhau" - ông Bảy nói.
Bình luận (0)