Cuối tháng 10-2013, Quỹ Tấm lòng vàng Người Lao Động (Báo Người Lao Động) trao tặng con tàu trị giá hơn 5 tỉ đồng cho Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đến nay, sau 6 năm, con tàu "triệu tấm lòng" này đã giúp ngư dân huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn thực hiện thành công khoảng 50 chuyến đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Mỗi chuyến biển là mỗi trận thắng
Đây là con tàu được đóng mới 100% từ những đóng góp của hàng triệu tấm lòng do Quỹ Tấm lòng vàng Người Lao Động vận động, thông qua chương trình "Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa" của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Ngay sau khi làm lễ bàn giao, con tàu được chuyển về cho Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải và nghiệp đoàn giao lại cho ngư dân Bùi Văn Phải (30 tuổi; ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn), một trong những ngư dân trẻ có "thành tích" bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Con tàu sau đó được ngư dân Bùi Văn Phải hoàn tất thủ tục, xin số hiệu QNg 96169TS và chính thức vươn khơi đánh bắt những ngày đầu năm 2014.
Gần 6 năm sau khi nhận con tàu, sáng 9-7, chúng tôi gặp ngư dân Bùi Văn Phải giữa lúc anh chuẩn bị nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ cho chuyến ra Trường Sa đánh bắt kéo dài hơn 1 tháng cùng 17 thuyền viên. Gặp lại chúng tôi, anh Phải bày tỏ niềm vui và nhờ gửi lời cảm ơn đến tất cả bạn đọc Báo Người Lao Động, nhân dân cả nước đã ủng hộ, giúp anh cùng ngư dân có được con tàu vươn khơi. "Đó là con tàu của triệu tấm lòng, là nguồn động viên, sức mạnh to lớn để chúng tôi vững chãi ra khơi mưu sinh, cắm mốc chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu" - anh Phải xúc động.
Tàu QNg 96169TS được đóng mới từ Quỹ Tấm lòng vàng Người Lao Động rời vùng neo trú, hướng ra Trường Sa đánh bắt trưa 9-7
Dù tuổi đời còn trẻ nhưng ngư dân Bùi Văn Phải đã có gần 15 năm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Trước khi được trao tặng con tàu nghĩa tình, anh từng sở hữu một con tàu mang số hiệu QNg 96382TS nhưng bị tàu Trung Quốc truy đuổi, bắn đạn pháo làm cháy cabin tàu vào ngày 20-3-2013 tại Hoàng Sa. Hành động bắn cháy tàu cá ngư dân Việt Nam của Trung Quốc đã gây phẫn nộ dư luận thời điểm đó.
"May mắn lúc cabin tàu bị cháy, anh em chúng tôi vẫn giữ được mạng sống. Nhưng mất tàu, mất tất cả. Cuộc sống anh em thuyền viên lâm cảnh khó khăn vì nợ nần chồng chất. Con đường ra biển đánh bắt trở nên mịt mù. Thậm chí có lúc, gia đình tính bỏ biển, chuyển nghề khác sinh sống... Nếu ngày đó, anh em chúng tôi không được hỗ trợ con tàu, không biết phải làm sao vươn khơi đánh bắt, nuôi gia đình" - ngư dân Phải nhớ lại.
Theo lời ngư dân Bùi Văn Phải, từ khi anh chịu trách nhiệm chính đứng ra nhận con tàu, anh em thuyền viên từng gắn bó với con tàu bị bắn cháy rất vui, ai cũng có động lực phấn đấu, vượt qua gian khó. "Điều đó tiếp thêm động lực, khích lệ tinh thần để anh em chúng tôi hăng say lao động, ý thức hơn trách nhiệm vì quê hương, đất nước. Từ khi nhận con tàu, chuyến biển nào anh em chúng tôi cũng được may mắn, đánh được nhiều cá tôm, cứ như mỗi chuyến biển là một trận thắng vậy" - ngư dân Phải tâm sự.
Tạo nguồn quỹ giúp ngư dân
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, cho biết nhờ làm ăn, đánh bắt thuận lợi nên từ khi tiếp nhận con tàu, năm nào ngư dân Bùi Văn Phải cũng đóng khoản tiền 145 triệu đồng để làm quỹ hỗ trợ của nghiệp đoàn. "Trung bình mỗi năm, con tàu "triệu tấm lòng" này đi khoảng 8 chuyến biển. Chuyến nào trở về cũng đánh bắt được vài chục tấn cá, chia anh em đi bạn mỗi người ít nhất 30 triệu đồng/chuyến... Có lẽ đây là con tàu được đóng từ tấm lòng người dân cả nước nên luôn được may mắn, đánh bắt rất "thuận" luồng cá. Cả xã An Hải này chưa có tàu nào đánh bắt được sản lượng cao đến thế" - ông Chinh nói.
Cũng theo ông Chinh, chính nhờ khoản phí 145 triệu đồng/năm mà người tiếp nhận tàu phải đóng lại cho Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải đã giúp ích rất nhiều cho đoàn viên nghiệp đoàn. "Con tàu được đóng từ tấm lòng người dân cả nước nên người nhận tàu phải có trách nhiệm đóng góp lại phần lợi nhuận từ việc đánh bắt. Khoản đóng góp này nhằm tạo nguồn quỹ, giúp đỡ những đoàn viên trong nghiệp đoàn khác gặp khó khăn, tai ương khi bám biển. Thực tế rất nhiều đoàn viên, ngư dân xã An Hải được hưởng lợi, được hỗ trợ, mua sắm ngư lưới cụ từ khoản kinh phí này" - ông Chinh thông tin thêm.
Sáu năm qua, ngư dân Bùi Văn Phải cùng con tàu “triệu tấm lòng” thực hiện khoảng 50 chuyến biển
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho hay mỗi năm có hàng chục trường hợp tàu thuyền của bà con ngư dân Lý Sơn bị tàu nước ngoài xua đuổi, bắt bớ, lấy ngư lưới cụ, thiệt hại rất lớn. Do đó, việc hỗ trợ tàu thuyền, ngư lưới cụ từ Quỹ Tấm lòng vàng Người Lao Động của Báo Người Lao Động mang ý nghĩa hết sức thiết thực, giúp bà con có điều kiện vươn khơi đánh bắt. "Chúng tôi đánh giá rất cao việc hỗ trợ con tàu cho bà con và càng vui mừng hơn khi con tàu được bà con ngư dân khai thác, sử dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi cũng mong muốn sẽ có thêm nhiều chương trình ý nghĩa thiết thực giúp ngư dân vượt qua khó khăn, bám biển giữ ngư trường, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc" - bà Hương nói.
"Cứ mỗi chuyến ra khơi cùng con tàu nghĩa tình của Quỹ Tấm lòng vàng Người Lao Động, chúng tôi cảm nhận phía sau mình là ngoài gia đình, người thân còn có hàng triệu tấm lòng người dân gửi gắm".
Ngư dân Bùi Văn Phải
Kỳ tới: Định vị thương hiệu biển Việt Nam
Bình luận (0)