Làng Thạch An, xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi những ngày cuối tháng 7 tấp nập xe cộ chở nông sản trên những cánh đồng dồn điền đổi thửa. Trong không khí rộn ràng đó, có một người đàn ông dáng người thấp đậm, da ngăm đen luôn theo sát mọi công việc. Đó là ông Võ Văn Quý (64 tuổi, Trưởng thôn Thạch An, xã Bình Mỹ), người dân gọi bằng cái tên thân mật là bác Ba Quý.
Việc gì khó, có Ba Quý
Ông Quý vốn là một thương binh hạng 3/4, sau khi xuất ngũ, ông không lập gia đình, ở vậy nuôi mẹ già (nay mẹ ông đã 86 tuổi). Đối với nhiều người dân ở thôn Thạch An và xã Bình Mỹ, nhắc đến Ba Quý ai cũng biết, thậm chí có rất nhiều người còn thuộc lòng số điện thoại của ông, bởi với họ "việc gì khó có Ba Quý".
Trong những câu chuyện về ông, nhiều người dân Bình Mỹ không quên chuyện ông tự nguyện đóng góp hàng trăm triệu đồng để mở đường bê-tông nông thôn. "Năm 2009 về trước, cả thôn Thạch An chỉ có con đường đất nhỏ chừng 2 m nên việc chở nông sản mỗi lần thu hoạch hết sức khó khăn, đặc biệt những lúc trời mưa lầy lội. Thấy vậy, ông Ba Quý đi vận động từng nhà hiến đất mở đường. Khi có đất, ông tự bỏ tiền túi thuê xe máy ủi, máy đào về làm con đường bê-tông rộng đến 6 m" - bà Trần Thị Dung, một người dân ở thôn Thạch An, kể.
Ông Ba Quý trông coi việc thực hiện dồn điền đổi thửa tại thôn Thạch An, xã Bình Mỹ
Trong gần chục năm qua, ông Ba Quý đã đóng góp hơn 300 triệu đồng và hàng ngàn mét vuông đất vườn, đất rẫy cho việc mở trên 20 km đường nông thôn. Nhờ có đường, việc sinh hoạt, đi lại, buôn bán của bà con thuận lợi hơn. Diện mạo nông thôn ở Thạch An cũng từng ngày thay da đổi thịt.
Với những đóng góp tích cực của mình, năm 2015, ông Võ Văn Quý được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng bằng khen về những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2011-2015. Cùng thời gian đó, ông Quý cũng được bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tặng bằng khen về những thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng và phát triển giao thông tại địa phương; cùng nhiều giấy khen của tỉnh Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn về những đóng góp tích cực tại địa phương.
Thành tích đáng nể như vậy nhưng ông Quý khiêm tốn: "Hồi chiến tranh mình chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giờ thời bình mình ra sức giúp bà con, xây dựng quê hương. Đó là việc phải làm thôi!".
Vì cộng đồng
Không chỉ đóng góp tích cực trong việc làm đường, ông Ba Quý còn là một trong những người đi đầu trong các phong trào sản xuất, dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, phát huy tình làng nghĩa xóm. Khi thì ông tự bỏ tiền túi mướn xe xúc, xe đào về gia cố những tuyến kênh bị sạt lở, bồi lấp để kịp đưa nước về cho đồng ruộng; khi lại thấy ông có mặt ở mọi "điểm nóng" đứng ra giải quyết những chuyện "gai góc" nhất ở làng Thạch An.
Người dân Thạch An vẫn còn nhớ như in câu chuyện tranh giành tháo nước mương vào ruộng giữa 2 người. Đôi bên xảy ra xô xát rồi mâu thuẫn mỗi ngày một trầm trọng. Ông Quý đứng ra phân xử, mời hai bên đến nói chuyện, nghe ông phân tích phải trái. Từ đó, giữa hai người hết hiềm khích, thuận hòa tình làng nghĩa xóm.
Ông Ba Quý bên con đường bê-tông nông thôn ở thôn Thạch An do ông đóng góp và vận động người dân tham gia
Ông Ba Quý luôn hết lòng vì cộng đồng. Hễ nhà ai có đám tang, ông luôn là người có mặt đầu tiên, giúp tiền để lo hậu sự. Những trường hợp bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn, ông Quý cũng âm thầm gọi điện cho những người đi làm ăn xa để vận động hỗ trợ. Có người được ông Ba Quý vận động quyên góp đến hơn chục triệu đồng. Chính những việc làm "vác tù và" ấy mà cả làng Thạch An, ai cũng quý ông Ba Quý.
Nói về ông Ba Quý, ông Nguyễn Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ - hết lời khen ngợi những việc làm nghĩa tình của ông Ba Quý. "Chỉ mỗi chuyện đóng góp làm đường, ông đã giúp cho thôn Thạch An có được diện mạo khang trang như ngày nay. Làm việc gì ông cũng nghĩ đến lợi ích chung của cộng đồng, người dân" - ông Trung bày tỏ.
Không đầu hàng số phận
Ở TP HCM, rất nhiều thương - bệnh binh làm kinh tế giỏi, đóng góp tích cực cho xây dựng nông thôn mới, trong đó có ông Nguyễn Văn Cu Em, thành viên Hội Cựu chiến binh xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.
Bao nhiêu năm vất vả gầy dựng, từ 2 bàn tay trắng, ông Em giờ là chủ vườn lan có tiếng ở huyện Củ Chi. Ông kể, hồi tham gia nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, trong một trận đánh ông bị trúng đạn, mất một chân. Ông xuất ngũ năm 1987, trở về địa phương với bộn bề khó khăn khi cơ thể không còn lành lặn, gia cảnh nghèo khổ. Vất vả làm ruộng không đủ sống nên ông "đánh liều" vay Ngân hàng Chính sách xã hội 200 triệu đồng để đầu tư trồng hơn 4.000 gốc hoa lan Mokara vào năm 2009. Đến năm 2012, thu nhập từ tiền bán hoa lan giúp ông trả hết nợ ngân hàng, tiếp tục đầu tư thêm hơn 3.000 gốc lan. Nhờ biết cách chăm sóc, mỗi tháng vườn lan cho gia đình ông thu nhập vài chục triệu đồng, từ hộ nghèo nay trở thành khá giả.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Em còn cùng các cựu chiến binh trong xã Tân Thông Hội tích cực vận động người dân hiến đất làm đường, tham gia cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, mô hình xây dựng nông thôn mới ở Củ Chi là hình mẫu áp dụng trên cả nước, trong đó sự tự nguyện tham gia của người dân và vai trò của các cựu chiến binh là những nhân tố góp phần mang lại thành công.
Kỳ tới: Gương sáng để noi theo
Bình luận (0)