Hai tuyến xe buýt được cho là đạt chuẩn cả về chất lượng phương tiện và cung cách phục vụ (gọi là xe buýt mẫu) sẽ bắt đầu hoạt động thí điểm từ ngày 1-12 nhằm cải thiện hình ảnh xe buýt tại TP HCM.
Lịch sự, an toàn, tin cậy
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (gọi tắt là Trung tâm) - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết 2 tuyến xe buýt đưa vào thí điểm là 03 và 33 (thuộc HTX Vận tải 19-5), phục vụ đối tượng chính là sinh viên và người dân đi lại giữa khu vực trung tâm và ngoại thành. Sau khoảng 3 tháng thí điểm, các đơn vị sẽ đánh giá lại.
Nội thất của xe buýt số 33 sắp trở thành tuyến xe mẫu cả về phương tiện và cung cách phục vụ
Mỗi ngày trong thời gian thí điểm, tuyến 03 (lộ trình: Công viên 23 Tháng 9 - Bến Thành - Thạnh Lộc) có 312 chuyến và tuyến 33 (lộ trình: Bến xe An Sương - ĐHQG) có 440 chuyến. Ngoài những quy định chung, 2 tuyến này sẽ được bổ sung nhiều tiêu chí khác dựa trên ý kiến đóng góp, hiến kế của người dân.
Cụ thể, vẫn áp dụng phương án trợ giá cùng những chính sách ưu tiên cho các nhóm đối tượng như người cao tuổi, khuyết tật, học sinh, sinh viên... Tuy nhiên, phương tiện sử dụng sẽ là loại chất lượng cao, sử dụng khí CNG (nhiên liệu sạch). Tài xế và tiếp viên phải bảo đảm quy tắc về sự thân thiện và tận tình. Xe chỉ được đón - trả khách tại các trạm dừng và khi dừng hẳn; không sử dụng điện thoại khi lái xe. Lái xe và tiếp viên phải giữ vệ sinh phương tiện, không tỏ thái độ phân biệt đối xử với hành khách được miễn phí đi xe buýt như người khuyết tật, người cao tuổi hoặc đối tượng được giảm phí (học sinh, sinh viên...); đặc biệt, phải có trách nhiệm thông báo để cơ quan chức năng bắt giữ ngay những đối tượng lừa đảo, móc túi; có quyền từ chối vận chuyển hành khách gây mất trật tự trên xe, vận chuyển hàng cấm, chất dễ gây cháy nổ hoặc động vật sống...
"Chúng tôi thí điểm dựa trên 3 tiêu chí lớn: Lịch sự, an toàn và tin cậy. Mục tiêu là phải phục vụ tốt nhất cho hành khách chứ không chỉ đơn thuần cung cấp những gì mình có" - ông Trung nói.
Kỳ vọng nhưng băn khoăn
Việc chọn 2 tuyến xe nêu trên làm thí điểm, theo Trung tâm, vì đây là những tuyến đã có cơ sở về phương tiện, hệ thống bến bãi, đặc biệt là sản lượng hành khách khá cao. Trong đó, tuyến 33 đang được bố trí 2 phương tiện có biểu đồ giờ cố định, phục vụ cho đối tượng là người khuyết tật nên khi thí điểm thì ngoài việc hành khách được thụ hưởng chất lượng tốt hơn, việc phục vụ người khuyết tật vẫn được duy trì.
Theo ông Trung, để chuẩn bị thí điểm, các đơn vị liên quan trước đó đã phân trách nhiệm rõ trong việc kiểm tra, giám sát từng chuyến của 2 tuyến, những trường hợp không bảo đảm các yêu cầu hoặc vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Trung tâm sẽ nghiên cứu tăng thời gian hoạt động của 2 tuyến này để đáp ứng nhu cầu đi lại, đồng thời tiếp nhận các thông tin phản ánh qua tổng đài 1022, phối hợp Công an TP HCM và Thanh tra Sở GTVT xử lý ngay nếu có trường hợp mất an ninh trên xe; thường xuyên cập nhật, bảo đảm tính chính xác, rõ ràng các thông tin thể hiện tại các điểm dừng, chờ xe.
Sinh viên Nguyễn Hoàng Dũng (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) cho biết khá kỳ vọng vào việc thí điểm 2 tuyến xe buýt mẫu bởi vấn đề khiến nhiều hành khách bức xúc không chỉ đơn thuần là chất lượng phương tiện mà chủ yếu do thái độ phục vụ của tài xế, tiếp viên. Đây là tiêu chí rất quan trọng nên nếu từ những tuyến mẫu mà có thể cải thiện, hành khách sẽ nhìn xe buýt bằng sự thân thiện hơn.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-11
Tạo đột phá mới
Theo Sở GTVT TP HCM, việc thí điểm 2 tuyến xe buýt mẫu ngoài việc tạo sự đột phá mới còn nhằm hình thành những tiêu chí cụ thể, giúp nâng cao chất lượng vận tải bằng xe buýt tại TP. Trong quá trình thí điểm, các đơn vị sẽ đánh giá theo từng giai đoạn, sau đó trình UBND TP xem xét, ban hành quy định cũng như tiêu chí mới cho hoạt động vận tải bằng xe buýt trên địa bàn. Nếu mô hình này áp dụng thành công sẽ đưa vào hợp đồng đặt hàng thực hiện dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt có trợ giá năm 2018.
Bình luận (0)