Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp theo chân đoàn cán bộ Công đoàn TP HCM về thăm Khu Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh).
16 tuổi đã đi "R"
Đoàn có gần 200 người, đa phần là cán bộ Công đoàn nữ, trong đó có bà Hoàng Thị Khánh - nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nguyên Chủ tịch LĐLĐ TP HCM và bà Tiêu Hải Vân, nguyên cán bộ Công vận Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng những bước chân của 2 cựu cán bộ Công vận vẫn nhanh thoăn thoắt trên con đường mòn xuyên qua tán rừng dẫn vào khu căn cứ.
Trên đường đi, bà Tiêu Hải Vân nói to với chúng tôi: "Để cô tìm lá trung quân cho các con xem". Bà băng sâu vào rừng, hái một bó lá thật to, giơ cao và cho biết mình có 7 năm sống ở chiến khu này với nhiệm vụ chính là tham gia tải đạn. Năm 1968, mới 16 tuổi, bà thoát ly gia đình đi "R".
Ở tuổi ăn chưa no lo chưa tới, mỗi khi được đơn vị phân công vào rừng hái lá trung quân, bà Vân rất vui. Song, những ngày đầu, trong quá trình đi theo các anh, các chị, có lúc ngủ quên, rồi lạc đường... Cuối cùng, khi tìm gặp được đồng đội, bà chỉ còn vài chiếc lá trên tay.
Bà Vân kể suốt thời gian ở "R", những chiếc lá trung quân đã tạo cho bà rất nhiều kỷ niệm. Những chiếc lá ấy đã che chở cho mọi người vượt qua bom đạn quân thù. Đặc biệt, bản thân bà đã đạt rất nhiều thành tích trong những lần thi hái và chằm lá trung quân.
"Lúc đó, tôi khá nhỏ bé nhưng ở hoàn cảnh nào cũng không từ chối nhiệm vụ, dù phải băng rừng, vượt suối, vượt đạn bom. Tôi thấy phụ nữ Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng có sức bền, sức chiến đấu, sự gan dạ và ý chí quật cường không khác gì nam giới khi thực hiện các nhiệm vụ cách mạng thiêng liêng. Thời bình, phụ nữ Việt Nam dù bận trăm công ngàn việc ở nhà nhưng vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Vì vậy, với vai trò cán bộ Công đoàn, chúng ta phải chăm lo tốt nhất cho chị em phụ nữ để họ được hưởng những quyền lợi cần thiết nhất" - bà Vân căn dặn.
Nhắn nhủ thế hệ trẻ, bà Tiêu Hải Vân nói cán bộ Công đoàn trẻ hãy không ngừng học hỏi, hoàn thiện bản thân, làm việc hết mình, sống có tâm và giữ gìn sức khỏe tốt để cống hiến, phục vụ đất nước.
Còn theo bà Hoàng Thị Khánh, những chiếc lá trung quân nhắc bà nhớ đến một thời gian khó mà hào hùng. Chuyến về thăm chiến khu này cũng gợi cho bà nhớ lại những ngày tháng tham gia chiến đấu, những cảm xúc khi đất nước sau ngày 30-4-1975 cũng như kinh nghiệm hoạt động Công đoàn trong những ngày đất nước còn khó khăn.
Bà Khánh khẳng định: "Chỉ có lòng yêu nước, yêu tổ chức Công đoàn và người lao động mới giúp người cán bộ Công đoàn vượt qua trở ngại, từ đó hoàn thành nhiệm vụ. Hơn nữa, tất cả phải xuất phát từ trái tim. Đội ngũ cán bộ Công đoàn phải mạnh dạn đấu tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động".
Đoàn cán bộ Công đoàn TP HCM nghe thuyết minh tại Khu Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam
Quá khứ hào hùng
Dọc theo những đường mòn dẫn sâu vào khu căn cứ là những ngôi nhà lợp bằng lá trung quân. Đây là nhà ở và nơi làm việc của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, được phục dựng với mái lợp bằng lá trung quân.
Bên trong những ngôi nhà này có di ảnh, những vật dụng sinh hoạt thường nhật của cố Tổng Bí thư và những dòng tiểu sử về cuộc đời, sự nghiệp, về quá trình sống, chiến đấu của ông trong những ngày chống Mỹ tại Trung ương Cục miền Nam. Phía dưới căn nhà có giao thông hào, hầm trú ẩn... Tất cả mộc mạc, giản dị nhưng toát lên một sức mạnh kiên cường.
Các cán bộ Công đoàn được tham quan nhà thường trực, hội trường lớn, hội trường nhỏ, nhà bảo vệ, văn phòng, bếp Hoàng Cầm, nhà ở của các chiến sĩ cách mạng như Nguyễn Chí Thanh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng... Tất cả ẩn mình trong những khoảnh rừng, mái lợp bằng lá trung quân ngã màu nâu.
Tham gia chuyến về nguồn tại Tây Ninh, chị Trần Thị Hoàng, cán bộ Công đoàn Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Hoàng Gia (quận Tân Bình, TP HCM), bày tỏ: "Cảm xúc của tôi rất khó tả, khi lần đầu tiên được đặt chân đến khu di tích lịch sử đặc biệt này. Nghe và hiểu về khoảng thời gian sống và chiến đấu của các chiến sĩ mới thấy bản thân học hỏi được rất nhiều điều, trong đó có tình yêu quê hương, đất nước, có sự cống hiến hết sức mình. Sau chuyến đi, tôi sẽ cố gắng học tập, vận dụng những đức tính của các chiến sĩ cách mạng, các thế hệ cha chú đi trước để lao động thật tốt, vượt qua khó khăn, tạo thêm nhiều sáng kiến hữu ích, đóng góp cho đơn vị và xã hội".
Học sự kiên cường từ người đi trước
"Tham gia chuyến về nguồn, tôi rất khâm phục ý chí chiến đấu của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong thời chiến. Trong hoàn cảnh rừng thiêng khó khăn như vậy mà các chú, các anh vẫn dũng cảm chiến đấu ngày đêm không quản ngại gian khổ. Khi trở lại cuộc sống bình thường, nhìn các căn nhà là chỗ ở của các vị lãnh đạo, thấy họ sống rất giản dị, đơn sơ càng cho tôi thêm khâm phục.
Từ họ, tôi học được những đức tính như giản dị, mộc mạc và kiên cường trong mọi hoàn cảnh khó khăn" - chị Ngô Thị Mỹ Sương, cán bộ Công đoàn Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết.
Bình luận (0)