Theo chủ đầu tư KDL, đây chỉ là những bức tượng tạo hình người lính ngày xưa của Việt Nam, thể hiện qua chiếc khiên có hình chim lạc, ông mua từ một KDL ở phía Nam. Vụ việc đang được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng lập đoàn liên ngành vào kiểm tra để có hướng xử lý.
Trước đó, dư luận cũng xôn xao khi tại KDL Quỷ Núi của Liên Minh Group có các bức tượng bê-tông hình thù quái đản, ghê rợn, không phù hợp thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Một người dân bình luận về những hình tượng quỷ quái ở đây, vào chiều 11-7 đã bị nhân viên của Liên Minh Group dẫn người đến hành hung phải nhập viện. Ông chủ tịch Liên Minh Group cho rằng không biết gì về hành động trên và nhân viên nọ đánh người là do muốn lấy lòng cấp trên.
Ai cũng hiểu rằng yếu tố độc đáo trong các không gian du lịch hay hành trình du lịch là cần thiết để hấp dẫn du khách. Song những yếu tố đó phải đặt trong sự hài hòa tổng thể cảnh quan, phải phù hợp thuần phong mỹ tục. Nếu là các công trình có tính lịch sử thì phải chính xác, khoa học, khơi gợi tình cảm tự tôn dân tộc, lòng yêu nước của con người Việt Nam. Tạo ra sự độc đáo theo kiểu khác người đến dị hợm và phản cảm là không nên; tạo sự hiểu về hình tượng trưng bày có tính chất lệch lạc lại càng không nên, nhất là những hình tượng chạm vào lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước của người Việt Nam...
Người đi du lịch có nhiều thành phần, đối tượng, cả khách trong và nước ngoài, nhiều lứa tuổi khác nhau. Do đó việc thiết kế tour, tuyến du lịch, không gian trưng bày tại KDL một cách khoa học và có giá trị thẩm mỹ, có ý nghĩa giáo dục, tuyên truyền điều hay lẽ phải, lịch sử, văn minh của đất nước, con người Việt Nam qua hàng ngàn năm là rất cần thiết. Từ đó làm cho du khách thấu hiểu, thêm yêu mến cảnh quan, con người Việt Nam, muốn quay trở lại lần nữa với những thiện cảm bền bỉ, lâu dài.
Hy vọng các địa phương sẽ có biện pháp chấn chỉnh, xử lý phù hợp để không đưa những hình ảnh phản cảm vào không gian du lịch, không để xảy ra những hành vi trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Mặt khác, các vùng miền ở nước ta đều có bề dày văn hóa. Chỉ riêng việc khai thác các sắc thái văn hóa bản địa của địa phương với những nét đặc trưng, độc đáo là đã đủ để hấp dẫn du khách. Bê-tông hóa các công trình, làm nhạt nhòa bản sắc địa phương càng làm cho du lịch mất dần tính hấp dẫn tự thân.
Hơn ai hết, người làm du lịch phải thấy được tầm quan trọng, giá trị của bản sắc văn hóa địa phương để biết cách bảo vệ, bảo tồn bản sắc và phát huy bản sắc này qua tổ chức các hoạt động du lịch. Đây chính là yếu tố làm cho du lịch phát triển một cách bền vững. Khi đó, không chỉ đem lại giá trị kinh tế, hiệu quả xã hội mà còn bảo vệ môi trường, đi đôi với trách nhiệm của từng cá nhân, từng doanh nghiệp hoạt động du lịch và cả cộng đồng.
Bình luận (0)