Sáng 18-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM đã giám sát về tình hình thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn TP. Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi giám sát.
Thấy sai sao không xử?
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Trần Văn Thạch cho biết hiện trên địa bàn TP có hơn 42.100 trường hợp tồn đọng chưa được cấp giấy chứng nhận. Trong đó có gần 15.000 trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004, hơn 21.000 trường hợp vướng quy hoạch, vi phạm pháp luật đất đai, có tranh chấp. Đặc biệt, có hơn 6.000 trường hợp không có nhu cầu cấp giấy chứng nhận.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân (bìa trái) trao đổi bên lề buổi giám sát Ảnh: PHAN ANH
Để giải quyết các trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay, ông Thạch cho biết Nghị định 01 có hiệu lực ngày 3-3-2017 cho phép cấp giấy chứng nhận đối với trường hợp chuyển nhượng quyền bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-1-2008 nên TP đã giải quyết cho hơn 9.600 trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay. Hiện sở đã kiến nghị Bộ TN-MT, Tổng cục Quản lý đất đai tiếp tục tháo gỡ cho cấp sổ đỏ với các trường hợp mua bán bằng giấy tay sau ngày 1-1-2008 đến ngày 1-7-2014.
Chuyện xây nhà không phép, sai phép tồn tại từ lâu ở TP HCM nhưng vẫn chưa có giải pháp giải quyết hữu hiệu Ảnh: LÊ PHONG
ĐBQH Phạm Phú Quốc cho rằng phải có một thời hạn cụ thể cho những trường hợp này, không thể "treo" mãi không cấp sổ. Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa đưa ra một thực tế đang gây nhức nhối hiện nay. Đó là những người có nhu cầu làm giấy chứng nhận hợp pháp thì bị chậm trễ, bị phiền nhiễu nhưng khi "bôi trơn", thông qua trung gian thì việc rất nhanh. Còn những người làm bất hợp pháp, làm càn thì lại cứ nhơn nhơn. Đặc biệt, các công trình sai phép, xây công khai như thế, mọc cao lên như thế mà không hiểu sao không xử lý được. Vi phạm có tính lây lan, người này làm được thì người kia cũng làm được. "Chúng ta xử lý rất chậm, thậm chí không xử lý nổi. Đây là một nghịch lý" - ông Nghĩa nêu kiến nghị: TP phải xem xét các vấn đề đất đai một cách thật nghiêm túc khi mà tình trạng vi phạm pháp luật trong đất đai ngày càng lan tràn, nhất là ở các quận, huyện ngoại thành.
Phải tính lại mô hình quản lý
Giải đáp các vấn đề ĐB nêu, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến thẳng thắn nhìn nhận sự quản lý còn hết sức yếu kém của chính quyền địa phương trong tình trạng lấn chiếm đất, đặc biệt là đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp không sử dụng bị lấn chiếm như trường hợp 85 hộ dân ở Nhà Bè lấn chiếm thành khu dân cư không điện, không nước. "Ấy thế mà Nhà Bè bình chân như vại. Đến khi UBND TP chỉ đạo rốt ráo suốt 2 tháng mới giảm được còn hơn 70 hộ. Quản lý như vậy thì dễ dẫn đến hậu quả" - ông Tuyến nói. Ông thông tin thêm: Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi cũng có những trường hợp tương tự.
Liên quan đến câu chuyện xây dựng không phép, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đưa ra một câu hỏi: Người xây không phép, hàng xóm biết không, phường biết không, quản lý xây dựng biết không? Theo ông Nhân, chuyện này ai cũng biết hết. "Đây là hiện tượng vi phạm công khai mà ai cũng biết nhưng mình sửa không được, xử không đến nơi đến chốn nên nó cứ tăng. Nói buôn lậu ngoài biển không ai thấy thì còn hiểu nhưng đây ngay trong lòng của mình" - ông Nhân băn khoăn. Do đó, ông Nhân yêu cầu UBND TP tính lại mô hình quản lý, có thể đổi mới mô hình quản lý xây dựng đối với siêu đô thị như TP HCM, trong đó chú ý bản chất vi phạm ai cũng thấy, dân thấy, mặt trận thấy, phường xã thấy.
Ông Nhân nhìn nhận: "Mô hình quản lý không hợp lý là mình mất người, mất đất, mất dân. Phải tính lại mô hình này, phải tìm mô hình chứ không đợi trung ương chỉ. Có khi phải xin làm thí điểm. Quản lý xây dựng làm tốt hơn thì cấp giấy chủ quyền cũng thuận lợi, nếu không bên này cứ chạy theo khổ sở". Ông Nhân còn đề nghị UBND TP cung cấp danh sách các dự án 5 năm trở lên mà không triển khai hoặc có triển khai nhưng không đáng kể. Đối với những dự án như thế, TP có hướng xử lý như thế nào. Điển hình như dự án Thảo Cầm Viên ở Củ Chi. Đến nay, về mặt chủ trương là 13 năm rồi. Ông Nhân cũng yêu cầu đẩy nhanh việc công khai quy hoạch lên mạng.
"Tôi mới nhậm chức Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP 17 ngày nhưng đã nhận 20 giấy triệu tập của tòa án liên quan đến việc khởi kiện về cấp giấy chứng nhận tại các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở các quận, huyện" - ông Dư Huy Quang chia sẻ.
Đề nghị công khai quy hoạch bờ sông Sài Gòn
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phản ánh thực trạng các bờ sông, bờ biển đang bị tư nhân hóa. Sông Sài Gòn là của 10 triệu dân TP nhưng giờ thuộc sở hữu của một số người giàu, phá hỏng quy hoạch đô thị. Mơ ước bờ sông Sài Gòn là nơi sinh hoạt công cộng giờ càng xa. Ông Nghĩa cảnh báo TP đang quy hoạch Cần Giờ, coi chừng Cần Giờ lại giống như sông Sài Gòn.
Ông Nghĩa đề nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc TP công bố thông tin quản lý 2 bờ sông Sài Gòn trong thời gian vừa qua, hiện nay và sắp tới. Những khu vực bờ sông nào đã cấp cho tư nhân, trở thành đất dự án tư nhân, cộng đồng không được đi vào. Nhiều khu vực lấn sông đã giải quyết tới đâu...
Bình luận (0)