Sáng 25-9, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội 9 tháng đầu năm 2017. Báo cáo với lãnh đạo TP, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho biết tình hình vi phạm xây dựng thời gian qua còn nhiều.
Tranh chấp, vi phạm xây dựng như "bom nổ chậm"
Theo ông Tuấn, hiện trên địa bàn TP có 145 nhà cao tầng dân dụng và văn phòng đang thi công, trong đó có 15 dự án có vi phạm, có trường hợp vi phạm nghiêm trọng đang xử lý. Cụ thể, ông Tuấn thông tin hiện có 8%-10% chung cư đang tranh chấp, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư, ban quản trị và cư dân, liên quan đến quá trình đầu tư xây dựng và công tác quản lý, vận hành; tranh chấp phần sở hữu chung, sở hữu riêng.
Nguyên nhân có nhiều, trong đó có nguyên nhân do chủ đầu tư nhưng cũng có trường hợp xuất phát từ ban quản trị chung cư. Ông Tuấn dẫn giải: Có dự án kinh phí vận hành chỉ khoảng 5-7 tỉ đồng nhưng cũng có những chung cư kinh phí vận hành cực lớn, lên tới 30-40 tỉ đồng, thậm chí 70 tỉ đồng. Có những chung cư đang xây dựng chưa đưa vào sử dụng, thậm chí có công trình chưa khởi công đã phát sinh tranh chấp. Đây là nguyên nhân dẫn đến xung đột và phần lớn các dự án có tranh chấp đều là chung cư được xây dựng theo Nghị định 90 của Chính phủ.
Sai phạm trong xây dựng tòa nhà cao tầng cũng như tranh chấp, mâu thuẫn ở chung cư ngày càng nhiều và gay gắt Ảnh: LÊ PHONG
Ông Tuấn cho rằng Nghị định 90 về hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Nhà ở giao quyền cho chủ đầu tư quá lớn trong khi quyền quản lý của Sở Xây dựng và của UBND các quận, huyện lại bị hạn chế, dẫn đến vi phạm pháp luật của chủ đầu tư. Để giải quyết những vấn đề trên, Sở Xây dựng đã lập tổ công tác chuyên tham mưu, xử lý, giải quyết các vấn đề tranh chấp chung cư. Đặc biệt, sở sẽ phối hợp với các quận, huyện tổ chức tập huấn kiến thức cho ban quản trị chung cư trên bởi hiện nay nhiều ban quản trị có nhận thức không đúng về pháp luật.
Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã kiểm tra 51.557 lượt công trình xây dựng (so với cùng kỳ tăng 35,6%), phát hiện 1.595 trường hợp vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng, chiếm tỉ lệ 3,1% trên tổng số lượt kiểm tra (so với cùng kỳ tăng 24%). Tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng không phép, sai phép vẫn còn diễn biến phức tạp ở các địa phương như quận 7, 9 và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn. "Hiện nay, việc quản lý trật tự xây dựng có sự phối hợp nhưng rõ ràng trong phối hợp vẫn còn thể hiện sự bất cập. Điều này dẫn tới việc đùn đẩy, sơ hở mà hậu quả là tình trạng vi phạm xây dựng như thời gian qua. Cái này giống như quả bom nổ chậm, không biết sẽ nổ ra lúc nào" - ông Tuấn nêu.
Vỉa hè lại… dậy sóng!
Câu chuyện quản lý đô thị được tiếp tục nêu ra ngay sau đó tại buổi họp báo định kỳ trưa 25-9 khi báo chí đề nghị UBND TP HCM nêu quan điểm về việc xử phạt người lấn chiếm lòng đường, vỉa hè của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, trong thời gian vừa qua.
Cụ thể, liên quan đến việc xử phạt tài xế taxi để xe trái phép trên đường "để đi vệ sinh" nhưng bị đoàn kiểm tra quận 1 do ông Hải dẫn đầu xử phạt, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP, khẳng định: Cách xử lý của đồng chí Hải như vậy là đúng, bởi vi phạm thì xử phạt theo luật định. Các bạn có thể cho là bức xúc nhưng nếu ở đâu xa chứ ở quận 1 không thể không có nhà vệ sinh công cộng. Nếu anh có nhu cầu thì phải chủ động "giải quyết" trước chứ không thể viện lý do như vậy làm ảnh hưởng đến giao thông là khó chấp nhận.
Liên quan đến phát ngôn của ông Hải: "Sống ở quận 1 là phải biết luật, chấp hành luật, còn không thì về rừng U Minh sống" khi giải thích với một tài xế vi phạm trên đường Võ Văn Kiệt trong buổi chiều ra quân dẹp vỉa hè ngày 21-9, ông Hoan cho rằng ông Hải hơi cực đoan chứ nội hàm không có gì sai. Ông Hoan nhấn mạnh ai đi đâu, làm gì cũng phải sống theo pháp luật. Ngoài quy định chung, mỗi địa phương còn có những quy định riêng theo đặc thù, phù hợp với công tác quản lý nhưng quy định riêng đó cũng dựa trên nền tảng quy định chung, không đi ngược lại quy định chung. TP thực hiện nghiêm việc quản lý trật tự đô thị cũng dựa vào quy định chung đã đặt ra như thế. Tuy nhiên, cách nói của đồng chí Hải như thế thì đụng chạm, hơi bị sốc, điều đó là không nên.
Về những đề xuất của ông Hải liên quan đến việc luân chuyển chủ tịch, phó chủ tịch UBND một số phường trên địa bàn quận 1 để vi phạm lấn chiếm vỉa hè xảy ra trước đó, ông Hoan cho hay đó cũng là cách thể hiện tinh thần trách nhiệm vì việc chung và đề xuất luân chuyển cán bộ của ông Hải là hoàn toàn đúng.
"Ở đây không gọi là xử lý kỷ luật. Trong quá trình làm việc thấy cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, hiền quá, không hành động, không làm gì cả thì tốt nhất là luân chuyển. Việc này để cho quận 1 xử lý nhưng theo cá nhân tôi, những trường hợp này cũng nên luân chuyển. Những điểm nóng phải có tư lệnh mạnh mẽ. Việc luân chuyển cán bộ cũng là việc bình thường để phù hợp hơn với công việc" - ông Hoan nêu.
UBND TP HCM đánh giá kinh tế TP 9 tháng năm 2017 tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, tổng sản phẩm trên địa bàn 9 tháng đạt 775.874 tỉ đồng, tăng 8% (cùng kỳ tăng 7,76%).
Mong báo chí và người dân giám sát CSGT
Tại buổi họp báo thường kỳ của UBND TP HCM vào trưa 25-9, trước câu hỏi của phóng viên về các vấn đề tiêu cực của CSGT, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan nói: "Chuyện CSGT mãi lộ là chuyện không ai muốn. Đối với ngành công an thì càng không muốn". Ông Hoan khẳng định hoàn toàn hoan nghênh báo chí và người dân cùng tham gia giám sát quá trình thực thi công vụ của lực lượng CSGT để hạn chế thấp nhất các tiêu cực.
Đề xuất đổi "chủ" cho thanh tra xây dựng
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây TP, hiện lực lượng thanh tra xây dựng (TTXD) trực thuộc Sở Xây dựng, còn ở cấp quận, huyện thì không có. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý xây dựng ở cơ sở. Từ đó, ông Tuấn đề xuất chuyển lực lượng TTXD trực thuộc Sở Xây dựng về các quận, huyện. Lực lượng này khi về quận, huyện sẽ trở thành cán bộ trật tự đô thị, vẫn bảo đảm chức năng nhiệm vụ về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Bình luận (0)