Ngày 30-12, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia và công bố tích hợp thêm 4 dịch vụ công mới, nâng tổng số thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công lên 2.700.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, 4 dịch vụ công mới được tích hợp bao gồm: Dịch vụ Thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân; Dịch vụ Cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng; Cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; Kê khai, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe nhập khẩu. Theo tính toán của VPCP, 4 dịch vụ công mới này giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 1.376 tỉ đồng/năm.
Văn phòng Chính phủ sơ kết 1 năm vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia
Đối với dịch vụ Thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân, trước đây, để thực hiện nộp thuế, lệ phí trước bạ trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, người dân phải thực hiện 3 bước: Nhận thông báo thuế tại Bộ phận Một cửa; nộp tiền tại ngân hàng hoặc kho bạc nhà nước; đến bộ phận một cửa để nộp lại chứng từ để cơ quan đất đai tiếp tục thẩm định, cấp sổ đỏ.
Hiện nay, việc thực hiện trực tuyến cho phép người dân chỉ cần ngồi tại nhà để thực hiện được tất cả các bước trên. Người dân thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính qua mạng, sau đó cán bộ một cửa và cán bộ đất đai tiếp tục thẩm định, cấp sổ đỏ cho người dân. Việc thực hiện trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm được ít nhất 1 ngày công với 4 lần đi lại. Dịch vụ này sẽ giúp tiết kiệm được ít nhất là 682 tỉ đồng/năm, hiện đã cung cấp tại 4 địa phương là Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bình Định, Tây Ninh, sẽ mở rộng triển khai toàn quốc vào quý I/2021.
Đối với dịch vụ cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng khi thực hiện trên cổng Dịch vụ công quốc gia, người dân, doanh nghiệp sẽ không phải đi lại nhiều lần, hạn chế tình trạng né tránh, đùn đẩy trong việc cung cấp thông tin quy hoạch. Hồ sơ sẽ được cán bộ một cửa, cán bộ của cơ quan quản lý quy hoạch tiếp nhận, xét duyệt để trình cấp có thẩm quyền ký số trả cho người dân trên môi trường mạng, giúp tiết kiệm 281 tỉ đồng/năm.
Dịch vụ cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ cũng giúp người dân không phải đến cơ quan Nhà nước như trước đây. Người dân gửi hồ sơ trực tuyến và đăng ký nhận kết quả (giấy phép xây dựng) tại nhà theo địa chỉ do mình yêu cầu qua cổng dịch vụ, giúp tiết kiệm được ít nhất 3 ngày công, với 4 lần đi lại và thời gian, chi phí chuẩn bị hồ sơ.
Theo VPCP, việc kê khai, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe nhập khẩu thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia đã giúp người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục này bất cứ đâu, thay vì phải đi lại, đến cơ quan quản lý Nhà nước. Đối với thủ tục này, việc liên thông, chia sẻ dữ liệu từ Hải quan đến Cơ quan đăng ký xe còn giúp bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc xe.
So với trước đây, đối với tất cả các xe, người dân có thể tiết kiệm ít nhất được 0,5 ngày công và 2 lượt đi lại để làm thủ tục khai, nộp lệ phí trước bạ; đồng thời, tiết kiệm được ít nhất 1 ngày công và 2 lượt đi lại để làm thủ tục cấp đăng ký, biển số xe. Dịch vụ này giúp tiết kiệm khoảng 558,5 tỉ đồng/năm.
Theo VPCP, từ 8 dịch vụ công được cung cấp từ thời điểm khai trương, đến ngày 30-12-2020 đã có 2.700 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.700 TTHC tại 4 cấp chính quyền (đạt tỉ lệ 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 9%).
Đến nay, Cổng DVCQG có hơn 99 triệu lượt truy cập, hơn 412.000 tài khoản đăng ký; hơn 27,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 719.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 46.000 giao dịch thanh toán điện tử; tiếp nhận, hỗ trợ trên 43.800 cuộc gọi phản ánh, kiến nghị.
Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng là hơn 6.700 tỉ đồng mỗi năm.
Bình luận (0)