Thật khó để đi hết chiều dài một con rạch ở TP HCM bởi nằm lẫn trong khu dân cư, thậm chí bị nhà cửa bao vây, phủ kín. Nhiều con rạch chúng tôi chỉ nghe tên chứ không thấy hình dáng.
Rạch Chín Xiểng bị “đánh cắp” - méo mó, đen ngòm, đầy rác
Đen ngòm, đầy rác
Những ngày cuối tháng 7-2022, chúng tôi đi thực tế một số con rạch trên địa bàn quận Gò Vấp và Bình Thạnh - nơi từng có hệ thống kênh rạch chằng chịt nhưng những năm gần đây tình trạng ngập úng xảy ra ở những khu vực này mà theo các bậc cao niên, có nguyên nhân "kênh rạch bị đánh cắp".
Từ hẻm 566 Nguyễn Thái Sơn (phường 5, quận Gò Vấp), chúng tôi tìm tới rạch Chín Xiểng. Chạy dọc khu dân cư, ấn tượng đầu tiên là đoạn rạch ngay ký túc xá Trường ĐH Văn Lang ngập rác. Đi thêm 300 m, hàng chục căn nhà cấp 4 lụp xụp có phần đuôi nhô ra lòng rạch. Dễ nhận thấy những căn nhà này theo thời gian cứ dần mở rộng ra không gian mặt nước với phần cơi nới phía sau thường được dựng bằng tôn cũ để qua mắt chính quyền.
Rạch Chín Xiểng
Nhiều đoạn khác, người dân tranh thủ tráng bê-tông nhô ra rồi dựng chòi tạm làm nơi buôn bán thức ăn, rửa xe…
Một người dân địa phương cho biết con rạch này 20 năm trước rất trong nhưng rồi từ làn sóng đô thị hóa tràn đến, nhiều người nảy sinh ý định chiếm dụng con rạch để biến thành nơi mua bán hoặc mở rộng diện tích nhà. Từ đó, con rạch bị thu hẹp, nước dần đổi sang màu đen do hứng lượng lớn nước thải sinh hoạt, nhiều đoạn toàn rác. "Việc lấn chiếm xảy ra nhiều năm rồi, chính quyền địa phương cũng nghiêm cấm, không cho cơi nới nhà cửa nhưng để giải quyết triệt để, trả lại sự thông thoáng thì rất khó" - người dân này nói.
Rạch Lăng nhánh 1 không còn như hình hài xưa
Mất hẳn dấu tích
Rời rạch Chín Xiểng, chúng tôi đến rạch Lăng nhánh 1, đi dọc hẻm 80 Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp), trước mắt là dòng chảy khá "teo tóp" - từ 2,5 m rồi nhỏ dần, có chỗ chỉ còn 1 m. Thậm chí, có đoạn tìm mãi không thấy nơi nước chảy mà chỉ thấy nhà, như đối diện nhà số 80/12/204 là dãy nhà trọ nằm gần như trọn vẹn trong lòng rạch.
Nói lý do khảo sát lòng rạch, chúng tôi tiến vào dãy nhà trọ để đi ra phía sau. Nhìn con rạch càng đáng thương bởi không chỉ bị bóp nghẹt mà nhiều khúc còn bị "bức tử" bằng rác và xà bần. Chúng tôi hỏi nguồn gốc dãy nhà trọ, ông Tư - chủ nhà trọ - cho biết ông cất dãy nhà trọ từ năm 2000, phần xây dựng đều nằm trong phần đất được cấp giấy chứng nhận, không có lấn chiếm (!?). Nói xong, ông than thở bên phía đối diện sửa nhà rồi đổ xà bần ra rạch nên nguy cơ bít dòng chảy cao.
Rạch Bến Bồi 2 từng trong xanh, nhộn nhịp đôi bờ thì nay chỉ như chiếc rãnh hẹp
Tình trạng tương tự xảy ra tại rạch Bến Bồi 2, phường 13, quận Bình Thạnh. Nếu không có sự hướng dẫn của người dân địa phương thì bất cứ ai từ nơi xa tới đều không thể biết ở đây từng có con rạch nhộn nhịp hai bên bờ.
Chỉ tay vào đống rác ngay đầu hẻm 341 Nguyễn Xí, chị Tuyết - một người dân - nói "đó là con rạch Bến Bồi 2"… Sau đó, trong sự ngơ ngác của chúng tôi, chị cho biết chị sống ở đây từ năm 1987. Lúc trước con rạch rộng 4 - 5 m, người ta chèo ghe đi đặt trúm bắt lươn. Mấy năm nay, rạch bị bồi lắng rồi bị lấn chiếm, rác rất nhiều nên nhiều đoạn còn 2 m, có đoạn dưới 1 m.
Tại hẻm 351 Nơ Trang Long, rạch Bến Bồi 2 chạy qua có thể nói là đoạn bị "đánh cắp" kinh khủng nhất bởi hàng chục hộ dân, nhìn từ xa có điểm chỉ còn 0,5 m chiều rộng. Nối Bến Bồi 2 là Bến Bồi 1, tình cảnh cũng không khác gì với rác và môn dại mọc đầy, nhiều nơi bước xuống nhún chân mà không sợ lún. Khi bước xuống, chúng tôi giật mình vì lũ chuột bung chạy - con nào cũng to, chạy tán loạn vào nhà dân.
Ngao ngán và bực bội
Người dân phường 13, quận Bình Thạnh cho biết từ khi làm đường Phạm Văn Đồng, rạch Bến Bồi 2 không còn khả năng thoát nước do nước bên kia đường không lưu thông qua nữa nên chỉ còn chức năng thoát nước cho vài chục hộ, thậm chí nhiều nơi còn là vũng đọng khi mưa lớn khiến ai qua cũng ngao ngán, bực bội.
"Không bức xúc sao được vì trước đây đoạn rạch qua khu vực này rất rộng, khoảng 4-5 m, nhưng dần dần nhà dân lấn chiếm, con rạch bị thu hẹp như một chiếc cống thông thường. Dù nhiều lần người dân đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp xử lý, trả lại lòng rạch thông thoáng nhưng chưa thấy giải pháp căn cơ" - một người dân nói.
Kinh doanh bằng chiếm dụng
Theo phản ánh của người dân, một đoạn đường dài hơn 2 km thuộc hành lang an toàn bảo vệ sông Vàm Thuật (quận Gò Vấp, TP HCM) bị chiếm dụng làm sân bóng đá, quán nhậu, quán cà phê.
Để tìm hiểu rõ, từ đường Trần Bá Giao, chúng tôi rẽ vào khu dân cư, lần ra đường số 20 cập sông Vàm Thuật. Khi vừa đến mé sông, trước mắt chúng tôi là hệ thống sân bóng mini với 6 sân bóng đá, 1 sân bóng rổ - tổng diện tích hơn 2.000 m2.
Ghi nhận cho thấy ngày cuối tuần có rất nhiều người tới đây. Anh Thanh - một "cầu thủ" - cho biết so với các sân khác thì giá thuê sân ở đây rẻ hơn, chỉ có điều đôi lúc cảm giác mất an toàn vì sân nằm sát mặt sông quá.
Quán cà phê nằm trên hành lang sông Vàm Thuật bên trong là các máy tập công cộng
Cũng trên đường số 20, sát hệ thống sân bóng đá mini là khu đất trống được người dân tận dụng đặt cây cảnh, vật nuôi. Cách đó không xa, nhiều quán nhậu, quán cà phê cũng tranh thủ chiếm dụng hành lang an toàn sông để kinh doanh. Ghé vào một quán cà phê, chúng tôi thấy bên trong quán có 3 - 4 máy tập thể dục công cộng. Theo lời chị H. - người dân sống gần đây - trước khi có quán cà phê này, mọi người còn lui tới tập thể dục nhưng nay rất hiếm ai "chui" vào quán cà phê để tập vì "rất kỳ cục".
"Chủ quán không chỉ chiếm hành lang sông mà còn chiếm luôn công trình nâng cao sức khỏe của người dân trong khu vực. Đề nghị chính quyền nhắc nhở, trả lại không gian xanh cho người dân" - chị H. cho hay.
Không chỉ nội thành, tại các huyện ngoại thành, tình trạng lấn chiếm hành lang kênh, rạch để kinh doanh diễn ra thường xuyên. Dọc tuyến kênh An Hạ - đoạn qua xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh - có hàng chục quán. Tình trạng này xảy ra nhiều nhất tại đoạn giáp với chợ Cầu Xáng (xã Phạm Văn Hai) khi chỉ một đoạn hành lang ngắn vài trăm mét có hơn 20 hàng quán lớn nhỏ chen chúc.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)