Những ngày mưa cuối tháng 6-2022, lần theo những con hẻm nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo dọc kênh Đôi (khu phố 6, phường 6, quận 8, TP HCM), phóng viên Báo Người Lao Động đến nhà ông Lê Văn Đông.
Trông đợi từng ngày
Nhà ông Đông diện tích khoảng 15 m2 nhưng có đến 6 người ở. Căn nhà nằm hoàn toàn trên kênh với kết cấu đơn giản, phía dưới là cọc xi măng, gác đà gỗ, sàn nhựa, vách và mái bằng tôn. Ông Đông phân trần do điều kiện kinh tế khó khăn nên phải ở tạm bợ như vậy. "Nghe có chủ trương di dời nhà trên và ven kênh rạch, chúng tôi rất mừng, sẵn sàng chấp hành chủ trương di dời với mong muốn có chỗ ở mới tốt hơn, công việc ổn định, con cháu được học hành đàng hoàng" - ông Đông bày tỏ.
Theo quan sát, hầu hết nhà ở khu vực này đều làm tạm bợ. Đường đi giữa các con hẻm dẫn đến những căn nhà này cũng được lót bằng nhiều loại vật liệu.
Một góc dãy nhà dọc kênh Đôi (quận 8, TP HCM) Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG
Ông Phạm Tứ, Trưởng Ban Điều hành khu phố 6, cho hay đa số người dân sinh sống ở khu vực này làm nghề tự do như bán cá, thợ hồ… Khi nghe có chủ trương di dời, ai nấy đều đồng tình. Tuy nhiên, người dân lo lắng sẽ được bố trí tái định cư ở nơi xa trung tâm thành phố, di chuyển khó khăn. Một mối lo nữa là tiền bồi thường, hỗ trợ thấp, không đủ trả cho chỗ ở mới.
Theo tìm hiểu, thời gian qua, UBND quận 8 đã triển khai chương trình hành động về chỉnh trang đô thị, di dời nhà lụp xụp trên và ven kênh, rạch. Cụ thể, quận 8 đã lập dự án bờ Bắc kênh Đôi với hơn 1.000 trường hợp phải di dời, giải tỏa; dự án bờ Nam kênh Đôi với hơn 2.600 trường hợp phải di dời, giải tỏa.
Không ngồi chờ ngân sách
Theo Sở Xây dựng TP HCM, qua 5 năm thực hiện di dời nhà ven và trên kênh, rạch (giai đoạn 2016 - 2020) để chỉnh trang đô thị, kết quả đạt được còn khiêm tốn, chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Hiện mới có 2.479/20.000 căn được bồi thường và di dời, chiếm 12,4% chỉ tiêu. Những căn nhà này chủ yếu tập trung ở các dự án sử dụng vốn ngân sách nhưng đa số chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư và chưa kêu gọi được dự án vốn ngoài ngân sách.
Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ xây dựng đề án tổ chức di dời ngay người dân sống trên và ven kênh, rạch đến quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hiện có để tái định cư, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân. Đối tượng cần di dời ngay là nhà trên kênh, rạch (dạng nhà tạm bợ, không có chủ quyền, nằm hoàn toàn trên kênh, rạch… là đối tượng nhà ở, công trình xây dựng phải phá dỡ theo điều 118 Luật Xây dựng và điều 92 Luật Nhà ở). Đối với nhà ven kênh, rạch - nhà xây dựng trên đất - sẽ thực hiện theo các dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt để bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Đề án cũng có nội dung thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị dọc 2 bờ kênh, rạch để kêu gọi đầu tư. Việc kêu gọi đầu tư theo hình thức nhà nước sẽ bồi thường giải phóng mặt bằng bằng vốn ngân sách, còn nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xây lắp.
Nói về công tác bồi thường, di dời nhà trên và ven kênh rạch, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM, cho rằng công tác này còn khá chậm. Bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP HCM quan tâm bố trí, huy động vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.
Còn Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định thành phố đang rất quyết tâm để thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị, trong đó có di dời nhà ven và trên kênh, rạch. Thành phố đang tính toán các giải pháp để thực hiện dự án thay vì ngồi chờ ngân sách; chuẩn bị khởi động dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, trong đó tính toán điều chỉnh quy hoạch để khai thác quỹ đất ven sông, đấu giá lấy kinh phí thực hiện.
"Thành phố phấn đấu đến dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (năm 2025) sẽ hoàn thành và khởi công 50% trong tổng số 20.000 căn nhà ven và trên kênh, rạch" - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Cần 18.073 tỉ đồng di dời 6.500 căn nhà
Năm 2020, Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 15 ngày 27-10-2016 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X về chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, UBND TP HCM đã ban hành Quyết định số 3827 ngày 10-11-2021 về kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Thành phố đặt chỉ tiêu đến năm 2025, hoàn thành bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch, chủ yếu là dự án sử dụng vốn ngân sách với nhu cầu vốn dự kiến 18.073 tỉ đồng.
Các dự án gồm: nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm; nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh; cải tạo kênh Hy Vọng, quận Tân Bình. Đây là những dự án thực hiện mục tiêu kép - vừa giải quyết nhu cầu thoát nước để chống ngập vừa di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị. Ngoài ra, có 14 dự án đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020, nay chuyển tiếp thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 (gồm 8 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư công, 6 dự án đã phê duyệt dự án bồi thường).
Theo ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở xây dựng TP HCM, hiện chủ yếu đầu tư các dự án này bằng ngân sách nhà nước nhưng cũng rất khó khăn. "Cần có chính sách điều chỉnh hành lang an toàn kênh, rạch theo hướng mở rộng và dùng quỹ đất này bán đấu giá để tạo nguồn vốn tái đầu tư dự án. Thành phố đã chấp thuận thuê đơn vị tư vấn của Bộ Xây dựng để nghiên cứu cơ chế, chính sách cho nhóm này" - ông Trần Hoàng Quân nói.
Nguy hiểm rình rập
Hỏa hoạn, sụt lún là nỗi lo thường trực của người dân sống trên và ven kênh, rạch. Tháng 5-2021, một căn nhà ở kênh Đôi (phường 4, quận 8) bất ngờ đổ sập do gãy cọc chịu lực. Sự cố làm căn nhà kế bên sập theo xuống kênh và 6 căn liền kề bị sụt lún.
Nhiều tài sản của các hộ dân bị nước cuốn, mái tôn, gạch ngói, đồ đạc vương vãi trên đống đổ nát. May mắn không có thiệt hại nặng về người.
Bình luận (0)