Một quãng thời gian còn quá ngắn nhưng tôi may mắn được trải nghiệm rất nhiều cung bậc cảm xúc trên hành trình nỗ lực để trở thành một nhà báo đúng nghĩa!
1. Như mọi ngày, đến 19 giờ, tôi gọi điện thoại về nhà. Đây là cuộc gọi mà ba mẹ ở quê buộc tôi phải thực hiện mỗi ngày, kể từ lần tôi mắc Covid-19 sau những ngày tác nghiệp ở vùng dịch vào giữa tháng 8-2021, khi TP HCM thiết lập giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhưng không báo cho gia đình.
Đó cũng là một trong những lần tác nghiệp trong môi trường "lành ít, dữ nhiều" mà tôi đã trải qua với mong mỏi mang đến độc giả những thông tin kịp thời, chân thật, hữu ích. Tôi từng cùng đồng nghiệp Báo Người Lao Động phanh phui những tiêu cực trong xã hội, như thực hiện các loạt bài điều tra "Vào thế giới bán trứng, mang thai hộ" (đoạt giải ba Giải Báo chí TP HCM lần thứ 37), "Thâm nhập thế giới làm đẹp" (đoạt giải nhì Giải Báo chí TP HCM lần thứ 38) hay lần thâm nhập mô hình phòng khám đa khoa do người Trung Quốc làm chủ ở TP HCM…
Ngay sau những loạt bài này, tôi từng bị đe dọa đến tính mạng. Là nữ, lại sống xa gia đình và không ít lần tác nghiệp như đã kể khiến người nhà luôn lo lắng. Thế nên, lần mắc Covid-19 đó, tôi phải giấu ba mẹ.
Cuộc gọi vào 19 giờ mỗi ngày với gia đình, không có gì quan trọng hơn mục đích thông báo "con đang xem tivi". Nhưng hôm đó, khi ba mẹ vừa tắt máy, tôi lại tiếp tục đến "nằm vùng" ở sân bay Tân Sơn Nhất để thu thập tư liệu cho loạt bài phóng sự - điều tra về những bất thường trong hoạt động taxi ở sân bay.
Phóng viên Ý Linh (thứ ba từ trái qua) tham gia sự kiện trao cờ Tổ quốc từ hợp phần “Đường cờ Tổ quốc” do Báo Người Lao Động phát độngẢnh: QUỐC THẮNG
Để thực hiện loạt bài này, nhóm phóng viên của Báo Người Lao Động phải tìm nhiều cách tiếp cận, "nhập vai" từ hành khách, người đưa đón người thân đến "cò taxi"… với hy vọng thu thập được nhiều tư liệu nhất có thể.
Phải nói rằng đây là một đề tài khó, chúng tôi phải "ăn dầm nằm dề" ở sân bay trong nhiều ngày mới có đủ cứ liệu để phản ánh. Sau khi được đăng tải, loạt bài viết "Thế giới taxi riêng ở sân bay Tân Sơn Nhất" đăng trên Báo Người Lao Động nhận được sự quan tâm của dư luận. Các cơ quan chức năng cũng đã nhanh chóng vào cuộc chấn chỉnh, thiết lập lại trật tự ở sân bay này.
2. Tôi đến với nghề báo trước tiên là vì thích thú. Tôi thích được đi, được quan sát, chứng kiến, chắt lọc thông tin, kiểm chứng và kể lại bằng lời văn của mình. Qua gần 4 năm gắn bó, nghề báo hiện lên trong tôi với "hình hài" khác hơn, đòi hỏi mình phải nỗ lực vượt bậc.
Bản thân tôi đã không ít lần đối mặt với những ngày dài thất bại trong việc tìm kiếm và triển khai đề tài. Cũng không dưới một lần, tôi tự hỏi liệu mình có bám trụ lâu dài với nghề hay không bởi áp lực quá lớn.
Chưa kể, có người còn chưa có sự phân biệt giữa nhà báo và các KOL (những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội). Rõ ràng, báo chí hiện đại không có lằn ranh về người làm nghề và không phải ai theo nghề cũng vinh dự được gọi là nhà báo - hiểu theo nghĩa một người viết báo chân chính.
Tôi nhận ra chính trong xã hội mà ai cũng có thể đưa tin như hiện nay thì vai trò nhà báo, của báo chí chính thống càng quan trọng. Tôi cũng nhận ra người làm báo không phải chỉ viết những điều mình muốn mà phải viết những điều xã hội cần.
Tôi rất tâm đắc với lời nhận xét của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một bài viết về nghề báo: "Tôi nghĩ phần lớn nhà báo không chọn báo chí như một nghề chỉ để kiếm sống. Tôi tin báo chí đang và sẽ được nhìn nhận đúng như vai trò mà xã hội luôn chờ đợi ở mình: Hành xử có trách nhiệm hơn với đất nước, với dân tộc".
Đó là sứ mệnh cao quý của nghề báo mà những nhà báo trẻ như chúng tôi phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa để trở thành nhà báo chân chính!
Bình luận (0)