. Phóng viên: Gần đây có những luật khi trình ra Quốc hội (QH) thông qua không bảo đảm chất lượng nên phải sớm chỉnh sửa, phải lùi thời gian thông qua như Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu kinh tế - ĐKKT)?
- TS Đinh Xuân Thảo: Đúng là cần phải quan tâm chất lượng hàng đầu chứ không phải số lượng. So với yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 thì hiện nay, số lượng văn bản pháp luật không thiếu nhiều, trong mấy nhiệm kỳ vừa rồi đã ban hành khá nhiều. Hiện chỉ còn thiếu một số luật trong lĩnh vực quyền con người, quyền công dân, còn các lĩnh vực khác như an ninh quốc phòng, kinh tế xem như đã đủ.
Bây giờ QH khóa XIV mới nửa nhiệm kỳ nên không cần vội. Các luật xây dựng cần bảo đảm chất lượng, không cần chạy theo số lượng. Mặt khác, thực hiện theo tinh thần Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật rồi thì khi xây dựng dự thảo luật phải lấy ý kiến rộng rãi nhân dân.
Trước đây, mình có lấy ý kiến nhưng còn hình thức, có đăng tải trên mạng lấy ý kiến nhưng nhiều lúc chẳng ai để ý, rồi có những luật khi QH bấm bút thông qua, đi vào thi hành mới thấy vướng.
Đặc biệt, thời gian qua, người dân có ý thức, quan tâm nhiều hơn đến công tác lập pháp nên cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra các dự án luật cần làm tốt hơn việc lấy ý kiến nhân dân ngay từ khi đang xem xét xây dựng luật. Tôi cho đây là điều đáng mừng của đất nước.
Mới đây nhất, Luật ĐKKT phải lùi thời điểm thông qua và người dân chưa đồng thuận. Nếu người dân chưa đồng thuận do chưa hiểu đúng, chưa hiểu đầy đủ thì cơ quan chức trách phải làm rõ để mọi người hiểu. Còn nếu đó là những điều mà người dân hiểu quá, thấy dự thảo đó chưa phù hợp, tiềm ẩn nguy cơ... và có ý kiến thì phải cầu thị, nhà làm luật phải tiếp thu, lắng nghe.
. Vậy ông có góp ý gì đối với Luật ĐKKT?
- Theo tôi, cần thực hiện tách bạch 2 "công đoạn". Luật ĐKKT như một luật khung, đưa ra những nguyên tắc về mô hình tổ chức của chính quyền đặc khu như chính quyền đặc khu ở đó theo mô hình thế nào, có quyền hành ra sao...
Trước đây, khi QH làm Luật Tổ chức chính quyền địa phương (năm 2015) đã dự tính thiết kế 1 chương riêng quy định mô hình tổ chức chính quyền đặc biệt giống như đặc khu. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thấy rằng việc chưa chín muồi nên QH quyết định để Luật Tổ chức chính quyền địa phương ban hành sớm để chuẩn bị cho bầu cử năm 2016 nên rút chương này ra.
Tôi nói lại là chỉ nên ban hành một luật đặc khu khung mà chưa nhằm cụ thể hóa nơi nào. Còn sau này, QH sẽ quyết định làm 1 hay 3, 5, thậm chí 10 đặc khu cụ thể trên cơ sở đề xuất của Chính phủ và được ban hành bằng một nghị quyết theo quy định điều 70, điều 110 và điều 111 của Hiến pháp. Trên cơ sở có luật rồi, quyết định làm đặc khu ở đâu, nơi nào là đặc khu là thẩm quyền của QH và cũng không phải trưng cầu ý dân theo quy định Hiến pháp.
Tóm lại, trong luật đặc khu chung chỉ nên quy định về tổ chức điều kiện, quyền, nghĩa vụ đặc thù của đặc khu… giống như tổ chức một cấp chính quyền địa phương. Thậm chí, dự thảo Luật ĐKKT vừa được lùi thời gian thông qua chỉ quy định mô hình đặc khu tương đương cấp huyện thì luật đặc khu chung có thể quy định cả mô hình ĐKKT cấp tỉnh, thành.
Luật đặc khu chung như tôi nêu trên sẽ nhận được đồng thuận cao hơn và không phải chỉnh sửa, bổ sung liên tục. Thậm chí nếu một địa chỉ đặc khu không thành công lại phải "bỏ ra thay vào". Luật ĐKKT chỉ quy định đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt như thế nào, người đứng đầu ra sao, các thành viên cụ thể... để áp dụng trong một thời gian dài, cho nhiều đối tượng và cho cả nước, chứ không riêng 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang. Còn Hiến pháp trao quyền cho QH quyết định ban hành Nghị quyết về từng đơn vị hành chính đặc biệt tương đương như ĐKKT.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đinh Xuân Thảo trong một lần trả lời phỏng vấn bên lề hành lang Quốc hội. Ảnh: BẢO TRÂN
. Theo ông, điều mà cơ quan lập pháp cần phải làm bây giờ là gì?
- Ở đây có sự nhầm lẫn là Luật ĐKKT lại bao gồm cả quy định và quyết định. Quy định có nghĩa là ở đó có HĐND, UBND, có chủ tịch được làm gì… Còn nói rõ tên 3 đặc khu, cái đó lại thuộc quyết định mà quyết định thành lập đáng lẽ là bằng quyết định riêng, là một nghị quyết của QH thì lại đưa vào luật.
Cho nên việc bây giờ dừng lại kỳ này chưa thông qua Luật ĐKKT không chỉ đơn thuần là người dân, nhà khoa học… phản ứng về thời hạn cho thuê đất tới 99 năm mà còn nhiều nội dung khác. Tốt nhất là tách quy định luật riêng ra, còn quyết định đặc khu cụ thể thì để sau, không nhất thiết phải được thông qua ngay cùng với luật.
Tất nhiên, nếu Chính phủ làm kịp đề án thì cũng có thể thông qua nếu như QH xem xét và đồng ý. Nghị quyết (quyết định) của QH cho phép làm các đặc khu cụ thể cũng không nhất thiết phải gộp chung cả 3 đặc khu vào 1 nghị quyết mà có thể xem xét quyết định từng đặc khu 1 hoặc số lượng bao nhiêu tùy theo tình hình và sự khả thi, đồng thuận. Thấy nơi nào phù hợp, chín muồi hơn thì quyết định cho làm trước.
. Ông có nghiên cứu về chính sách dành cho các ĐKKT mà các quốc gia khác đã làm?
- Liên quan đến chính sách ưu đãi đặc khu như thế nào để cho hợp lý, đây là cái mà người ta nghi ngại nhất.
Hầu hết để thu hút vào đặc khu thì nói phải có ưu đãi thuế, miễn giảm bao nhiêu năm... Nhưng có người nói, 3 nơi dự kiến làm đặc khu là "bờ xôi ruộng mật" rồi không phải nơi khó khăn. Như Thâm Quyến, trước đây Trung Quốc quyết làm đặc khu thì nơi này đúng là rất sình lầy, hoang vu không có gì cả. Nếu lúc đó không có chế độ ưu đãi đặc biệt thì chẳng ai vào đấy. Trong trường hợp đó, cần có chính sách ưu đãi đặc biệt.
Nhưng với mình, chưa thành đặc khu thì đã ngon rồi, như Phú Quốc, người ta đã vào mua đất hết rồi thì tự nhiên đưa ra cái đó là không hợp lý, cho nên cần phải nghiên cứu. Mình đi học tập kinh nghiệm các nước nhưng thời điểm bắt đầu của người ta là lúc nào thì mình phải tính.
Giờ có rất nhiều nơi làm đặc khu, có điều ta phải nhìn lại thời điểm khi người ta làm đặc khu thì như thế nào và giờ mình làm đặc khu thế nào để cho phù hợp. Rõ ràng mô hình đặc khu là 50/50, có nơi thành công, có nơi thất bại, cho nên khi xây dựng luật mình phải rút ra thành công nhờ vào đâu, nhờ cái gì, thất bại là do cái gì.
Tôi đến Thâm Quyến cách đây 20 năm. Họ nói hết thời điểm đó khi họ làm đặc khu là nơi giống như mình nói là khỉ ho cò gáy, sình lầy... Nhưng vị trí của nó lại thuận tiện như gần Hồng Kông, Macau nên các ông chủ sang đây đi làm rất gần, họ đã bay sang làm việc hằng ngày bằng máy bay riêng và sau đó là xây dựng đường hầm qua núi. Khi đó, họ tính 10 năm mới thu hồi được tiền đầu tư đường hầm nhưng chỉ mất 3 năm là đã thu hồi xong.
Còn mình thì đúng là rõ ràng, đặc khu là cần, Phú Quốc muốn như Singapore thì phải thu hút từ bên ngoài thôi chứ lực mình có hạn. Bên ngoài đầu tư vào thì họ xây dựng và quản lý dự án đầu tư của họ và họ phải đóng thuế cho mình.
Tôi nghĩ là rất cần có đặc khu nhưng quan trọng là quy định như thế nào cho phù hợp, những chỗ nhạy cảm cũng nên cân nhắc, thận trọng. Như Vân Đồn, ngay trước đây, từ đầu, Quảng Ninh đề xuất 3 khu vực thành đặc khu nhưng trình lên cấp cao từ khóa XI đã không đồng ý rồi vì do liên quan đến quốc phòng, an ninh nên sau này chỉ chọn 1.
QH cho ý kiến nhiều dự án luật
Theo chương trình kỳ họp QH thứ 5, từ ngày 11 đến 15-6 là tuần làm việc cuối cùng. Trong tuần này, QH sẽ nghe và cho ý kiến các dự án luật như: Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an Nhân dân (sửa đổi); Luật Chăn nuôi.
Đáng chú ý, QH cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Nghị quyết về Chương trình giám sát của QH năm 2019; Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo (sửa đổi); Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016"...
Bình luận (0)