Xuất bản phẩm nhà nước đặt hàng (hay còn gọi là sách thực hiện công tác tuyên truyền theo định hướng của nhà nước) sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước (NSNN). Từ nhiều năm nay, có một thực tế là trước khi xuất bản, sách nhận được nhiều lời chúc tụng, tán dương. Thế nhưng sau khi in, nó thường rơi vào cảnh… "chết lâm sàng". Người làm sách cũng chẳng màng nó có lên kệ, có được đọc hay không. Điều này không chỉ gây tổn thất cho ngân sách mà còn tạo thêm sự bát nháo trong ngành xuất bản.
Hội thảo “Đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước”
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng cần chấn chỉnh thực trạng trên, phải có sự đổi mới từ cách đặt hàng, thực hiện cho đến khâu phát hành, để hoàn thành được vai trò, sứ mệnh của sách do nhà nước đặt hàng. Ông Lê Thanh Hà, NXB Đại học Sư phạm TP HCM, góp ý: "Đã đến lúc phải tránh trường hợp sách in và nghiệm thu xong không có người xem hoặc chỉ đơn thuần cấp cho thư viện, phát cho cán bộ và nhân dân là hoàn thành nhiệm vụ. Việc ưu ái, tạo việc làm, tạo nguồn thu cho NXB dẫn tới cơ chế xin - cho, hoặc xuất hiện nhiều đầu sách kém chất lượng vẫn được xuất bản dựa trên việc sử dụng nguồn NSNN dẫn tới lãng phí".
Các đại biểu cho rằng vì chưa làm tốt công tác kiểm tra chất lượng các ấn phẩm xuất bản theo đơn đặt hàng của nhà nước, nên nhiều NXB làm việc chưa thực sự nghiêm túc, hiệu quả. Điều này khiến cho chất lượng và hình thức của các ấn phẩm chưa cao, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của người đọc, dẫn đến lãng phí. Các đại biểu kiến nghị cần có cơ chế đặc thù cho từng loại xuất bản phẩm theo đơn đặt hàng của nhà nước, trong đó chú trọng việc xây dựng cơ chế kiểm tra chất lượng để nâng cao chất lượng các ấn phẩm.
Bà Phan Thị Thu Hà, Phó Giám đốc phụ trách NXB Trẻ, kiến nghị giữa cơ quan chủ quản là đơn vị đặt hàng và NXB cần có sự phối hợp chặt chẽ và phải có tiêu chí đặt hàng rõ ràng. "Theo tôi, nên chú trọng đến sách dành cho thiếu nhi, người khiếm thị. Nếu làm tốt được sách nhà nước đặt hàng dành cho thiếu nhi, mức độ lan tỏa sẽ cao và góp phần rất lớn trong việc xây dựng thói quen đọc sách ở thiếu nhi" - bà Hà nhấn mạnh.
Còn một nguyên nhân khiến cho sách đặt hàng "ngủ yên" trên kệ là hiện nay độc giả đã hình thành thói quen đọc trên máy tính. Do đó, với trữ lượng sách quý hiếm đang có trong các thư viện lớn, cần được chuyển thành sách điện tử nhằm đáp ứng được nhu cầu của lớp người đọc hôm nay. Xu hướng của các nước trên thế giới đang tập trung số hóa tư liệu chứ không tập trung xây dựng thư viện thật to, đẹp. Sách xuất bản từ NSNN cũng cần làm theo xu hướng này.
Có một thực tế là trong khi những xuất bản phẩm được nhà nước đặt hàng, đầu tư phải "đắp chiếu" thì sách xuất từ vốn xã hội hóa, tư nhân vẫn sống tốt. Sự nhanh nhạy của nhà sách tư nhân và một số nhà xuất bản góp phần không nhỏ trong việc đưa một số tác phẩm của thế giới đến với người đọc ở Việt Nam như tác phẩm của Dan Brown, J.K.Rowling... Một số tác giả nổi tiếng cũng đã được mời đến Việt Nam tham gia hoạt động ra mắt cuốn sách của họ, như Mark Levi, Eran Katz...
Đã đến lúc cần sòng phẳng trong câu chuyện đầu tư tiền bạc cho làm sách, không để việc lợi dụng cơ chế xin - cho với những lời chúc tụng, tán dương nhau làm "bốc hơi" NSNN nhưng mục tiêu đưa tri thức đến với người đọc không đạt được.
Bình luận (0)