Khoảng 1 tháng qua, người dân sống gần khu xử lý rác Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) liên tục phản đối, không cho các phương tiện chở rác vào xử lý khiến rác ùn ứ khắp nơi.
Tràn ngập các con đường
Dọc các tuyến đường từ thành thị cho tới nông thôn ở tỉnh Quảng Nam, rác thải chất thành đống, bốc mùi hôi thối.
TP Tam Kỳ là 1 trong 3 địa phương của tỉnh Quảng Nam được ưu tiên thu gom rác thải sinh hoạt nhưng rác vẫn chất thành đống lớn, vương vãi đầy đường, rất phản cảm. Quảng Nam đang vào mùa dịch sốt xuất huyết nên các bãi rác tự phát này sẽ là môi trường lý tưởng để muỗi sinh sôi.
Quảng Nam có 3 khu xử lý rác thải quy mô lớn là khu xử lý rác Đại Hiệp (huyện Đại Lộc), Tam Xuân 2 và Tam Nghĩa (huyện Núi Thành). Hiện khu xử lý rác Đại Hiệp đã đầy và có kế hoạch đóng cửa còn dự án lò đốt rác Đại Nghĩa thì bị người dân ngăn cản thi công. Khu xử lý rác Tam Xuân 2 vừa xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường nên người dân bao vây, không cho xe chở rác vào xử lý. Trước tình hình đó, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam phải đưa rác xuống khu xử lý Tam Nghĩa nhưng vì lưu lượng xe chở rác tăng đột biến, ảnh hưởng đến cuộc sống nên người dân cũng ngăn cản trong một thời gian dài.
Những đống rác như thế này đang có nhiều bên các tuyến đường ở tỉnh Quảng Nam Ảnh: Trần Thường
Ông Chung Thành Đông, Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam, cho biết đơn vị và chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức đối thoại, đưa ra các cam kết cũng như thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, hạn chế mùi hôi ở bãi rác Tam Xuân 2 nhưng người dân vẫn chưa đồng tình. Trong tuần này, công ty tiếp tục xử lý sự cố môi trường và vận động người dân không tiếp tục ngăn cản xe đưa rác vào bãi.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Tỉnh Quảng Ngãi cũng tồn đọng hàng ngàn tấn rác thải sinh hoạt. Rác tràn ngập khắp các tuyến đường trung tâm và vùng ven của TP Quảng Ngãi, đặc biệt là dọc Quốc lộ 1 qua các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn... Nguyên nhân là do người dân ngăn chặn quá trình hoạt động của nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ vì cho rằng nhà máy chưa hoàn thành nhưng đã tiếp nhận, xử lý rác gây ô nhiễm.
Điều đáng nói là kể từ khi người dân xã Nghĩa Kỳ tổ chức ngăn chặn, đến nay hơn 1 năm, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cũng liên tục có văn bản yêu cầu chủ đầu tư dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ đẩy nhanh tiến độ nhưng sau nhiều lần cam kết rồi gia hạn, đến nay nhà máy vẫn chưa hoàn thành.
Ngoài ra, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt huyện Đức Phổ cũng bị người dân ngăn chặn, phản đối khiến tình trạng tồn đọng rác kéo dài trong hơn 1 năm qua. Dù lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi nhiều lần tổ chức đối thoại, tháo gỡ vướng mắc nhưng đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Dự kiến cuối tháng 9, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đối thoại với người dân huyện Đức Phổ.
Trước tình hình rác thải hết sức căng thẳng, UBND tỉnh Quảng Nam liên tục tổ chức các cuộc họp để tìm hướng giải quyết. Sau 2 cuộc họp liên tiếp vào ngày 17 và 20-9, đến ngày 23-9, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ký công văn gửi các địa phương, sở, ngành liên quan về việc tập trung giải quyết thu gom, xử lý rác thải và triển khai các dự án đầu tư khu xử lý rác tập trung trên địa bàn tỉnh.
Trong công văn, ông Thu yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thu gom, phân loại rác thải tại nguồn; khẩn trương kiểm tra, rà soát để lựa chọn các địa điểm tập kết rác và tối thiểu 1 khu xử lý rác tập trung quy mô cấp huyện hoặc khu vực cụm xã để xử lý trước mắt theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh. Về lâu dài, nghiên cứu đầu tư xây dựng lò đốt rác thải với công nghệ hiện đại và công suất phù hợp trong thời gian sớm nhất...
Ông Đinh Văn Thu yêu cầu UBND huyện Núi Thành hỗ trợ Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam triển khai khắc phục sự cố môi trường tại khu xử lý rác thải Tam Xuân 2, trong trường hợp người dân ngăn cản thì lực lượng công an phải bảo vệ thi công. Huyện Núi Thành chủ trì khảo sát tuyến đường mới vào khu xử lý rác Tam Xuân 2 bảo đảm không ảnh hưởng đến khu dân cư, đồng thời nghiên cứu vị trí xây dựng khu xử lý rác công nghệ cao, quy mô 20-30 ha, có mặt bằng thuận lợi, xa khu dân cư để triển khai kêu gọi đầu tư nhà máy đốt rác, phát điện...
Đối với lò đốt rác thải xã Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc), văn bản cho biết khu vực này đang triển khai dự án thuộc quy hoạch đất quốc phòng nên tỉnh thống nhất dời sang vị trí khác. Ông Đinh Văn Thu yêu cầu UBND huyện Đại Lộc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam khảo sát, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15-10, đồng thời vận động nhân dân tạo điều kiện để khắc phục vị trí đang thi công dang dở hiện nay. Trong thời gian triển khai xây dựng khu đốt rác tập trung tại huyện Đại Lộc, yêu cầu tiếp tục chôn lấp rác tại khu xử lý rác Đại Hiệp.
Chủ động ứng phó
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho hay đến năm nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom toàn TP là khoảng 1.100 tấn/ ngày, dự báo đến năm 2025 là khoảng trên 1.800 tấn/ngày. Để giải quyết nguy cơ đối mặt với vấn đề an ninh rác, HĐND TP Đà Nẵng đã ban hành nghị quyết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt đến 2025, trong đó đề ra mục tiêu: Tất cả các xã, phường sẽ tổ chức phân loại rác tại hộ gia đình đồng thời đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn. Đồng thời, TP triển khai đầu tư nâng cấp khu xử lý chất thải Khánh Sơn thành khu liên hợp xử lý chất thải rắn với diện tích 100 ha.
B.Vân
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)