Xét về tình cảm, đó là phương án tệ hại, thất nhân tâm. Song xét về lý, bởi không còn cách nào khác nên phải làm vậy, rồi khắc phục hậu quả sau.
Khắc phục hậu quả như thế nào, địa phương đến giờ vẫn bí. Không chỉ là những khoản phụ cấp hay hỗ trợ khi chấm dứt hợp đồng, trong trường hợp các GV kiện đòi bồi thường tổn thất đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, tổn thương tâm lý… (nếu chứng minh được thiệt hại) thì địa phương phải đền trả. Mà "địa phương" là ai? Những người có trách nhiệm giải quyết vụ này mạnh miệng nói "ai ký sai thì phải chịu" nhưng lại bảo không biết lấy nguồn từ đâu mà hỗ trợ hay đền bù vì pháp luật không cho phép.
Nhìn vào sự mâu thuẫn nói trên đã thấy rõ tâm lý du di, bao che cho nhau. Hơn 500 GV ở Krông Pắk rơi vào tình cảnh dôi dư để bây giờ hơn một nửa trong số đó mất việc chẳng phải do họ mà vì lãnh đạo chính quyền huyện này qua một số thời kỳ đã hoặc nhắm mắt ký bừa hoặc vì lợi ích riêng mà ký hàng loạt dù thừa biết biên chế đã cạn từ lâu. Vậy, nói "ai ký sai thì phải chịu" tức là đã rõ địa chỉ rồi đó! Cứ đọc tên mấy ông chủ tịch huyện vào cái thời ký hợp đồng tràn lan ấy là biết, hồ sơ còn lưu đầy đủ cả. Cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, thì phải làm gương. Nếu có liêm sỉ thì sai phải nhận, gây hậu quả thì phải bồi thường theo quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước; đừng đổ vấy cho ai, mất mặt lắm!
Chiếu theo luật thì nói vậy chứ thực tế không dễ, bởi nếu họ không chịu bồi thường thì… cũng chẳng sao. "Án lệ" đã đầy ra đó, biết bao vụ án oan sai do điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán… gây ra, như vụ ông Huỳnh Văn Nén (ở Bình Thuận) nhà nước phải đền cho người tù thế kỷ này 10 tỉ đồng, mà tới nay đã có ông bà nào bỏ ra đồng xu cắc bạc trả lại cho nhà nước đâu!
Đọc qua các số liệu từ báo cáo của Bộ Tư pháp cho Chính phủ mới thấy nhức nhối. Theo đó, cả năm 2017, tổng số tiền nhà nước phải bồi thường là 32,82 tỉ đồng trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của tòa án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường nhà nước có hiệu lực. Trong khi đó, số tiền cán bộ làm sai hoàn trả chỉ có 166,6 triệu đồng! Có được số tiền ít ỏi này cũng may, nhờ họ chịu hoàn trả chứ nếu không thì nhà nước cũng thua. Về hưu hoặc đã bị kỷ luật, buộc thôi việc rồi nên đâu còn ghế mà hạ chức, cách chức; tài sản có khi đã sang tên đổi chủ, nếu có cưỡng chế cũng chẳng còn gì mà thu hồi… Nói chung là qua đây cho thấy nhà nước chịu mất mát toàn diện: luật lệ bị nhờn, tiền bạc tổn thất, uy tín sút giảm. Cái gốc của vấn đề tựu trung ở chỗ do luật pháp không nghiêm.
Phải sửa đổi các quy định pháp luật chế tài những vấn đề như trên, đừng trông chờ vào sự tự giác của cán bộ khi mà đối với khá nhiều người, liêm sỉ là… xa xỉ!
Bình luận (0)