Ông Trần Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế Hợp tác (thuộc Trường Cán bộ Quản lý NN-PTNT II, Bộ NN-PTNT), cho biết cây thanh long đã qua thời hoàng kim. Thị trường nhập khẩu trái thanh long chính của nước ta là Trung Quốc đang phát triển mạnh cả về diện tích lẫn sản lượng, dẫn đến tình trạng dội hàng.
Nếu năm 2010, Trung Quốc mới chỉ có 11.000 ha thanh long thì đến nay diện tích đã tăng lên 53.000 ha. Số diện tích này đã tiệm cận tổng diện tích trồng thanh long của nước ta, là hơn 64.000 ha. Vì vậy thời điểm nông dân Trung Quốc vào sản xuất vụ hè thì họ đã có thị trường trong nước nên dẫn đến nhập khẩu ít đi. Rủi ro thứ 2, theo ông Trần Minh Hải, đó là các nước gần chúng ta, như Campuchia cũng đã phát triển diện tích cây thanh long 3.200 ha từ 5 năm trước lên thành 12.800 ha. Riêng tại Thái Lan, nước này đang tận dụng rất tốt tuyến đường sắt đến Côn Minh (Trung Quốc) thông qua Lào để đưa lượng lớn nông sản vào quốc gia đông dân nhất thế giới.
Để tháo gỡ những khó khăn hiện nay của trái thanh long, ông Lê Tuấn Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - kiến nghị Bộ NN-PTNT xây dựng chiến lược đánh giá tiềm năng và thị trường tiêu thụ trái thanh long, từ đó có khuyến cáo các tỉnh về quy hoạch sản xuất, bảo đảm cung cầu; thông tin mùa vụ tại các thị trường tiêu thụ để tránh ùn ứ. Ông Lê Tuấn Phong cũng mong muốn Bộ NN-PTNT nghiên cứu đưa cây thanh long vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp hơn.
Đóng gói trái thanh long xuất khẩu tại Bình Thuận
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh cơ cấu tổ chức của ngành hàng thanh long đang không ổn, nên phải thay đổi. Bộ trưởng cho rằng mọi sự thay đổi đều khó khăn, để giải quyết thì các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và nông dân phải ngồi lại cùng nhau bàn bạc.
"Chúng ta hiện chủ yếu vẫn tư duy của người sản xuất, tạo ra sản lượng nhưng quên rằng đầu thị trường mới quyết định đầu sản xuất. Sản xuất chúng ta làm chủ được nhưng thị trường thì không, do đó phải chuyển từ tiếp cận một đầu sang tiếp cận hai đầu, nghĩa là cả sản xuất lẫn thị trường" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng đề nghị các địa phương sản xuất thanh long phải tổ chức lại sản xuất, liên kết từ cấp xã, quản lý, thay đổi tư duy từ người nông dân. Theo Bộ trưởng, ngoài thanh long thì cả nước còn nhiều nông sản khác cũng đang đặt trong một thách thức vô cùng lớn, thách thức ở thị trường bên ngoài, thách thức ngay trong cách thức tổ chức sản xuất, cách liên kết, hợp tác.
"Tôi đề nghị một ngành hàng ở một địa phương phải xây dựng hệ sinh thái. Ví dụ như hệ sinh thái thanh long của Bình Thuận, Long An hay Tiền Giang xuất phát không chỉ từ Sở NN-PTNT mà không có sự tham gia, sự nhiệt thành trách nhiệm chung vì thương hiệu của nhiều phía… Thay vì nghĩ ngắn, nghĩ riêng cho mình thì bây giờ chúng ta nghĩ dài hơn và nghĩ cùng nhau" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bình luận (0)