Ngày 26-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội với hàng loạt vấn đề nóng: Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đầu tư hơn 34.000 tỉ đồng vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng; xâm hại rừng phòng hộ ở Sóc Sơn - Hà Nội; đất quốc phòng ở Hải Phòng bị lấn chiếm…
"Phạt cho tồn tại": Hủy hoại luật pháp
Là đại biểu (ĐB) thường xuyên đóng góp tiếng nói mạnh mẽ trên nghị trường, ông Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề nghị Thủ tướng sớm có lộ trình chấm dứt cơ chế "phạt cho tồn tại", bởi theo ông: "Phạt cho tồn tại nghe rất đơn giản và phổ biến nhưng nó là sự tích tụ quá trình hủy hoại luật pháp và phá hoại bộ máy công quyền".
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu bày tỏ lo lắng về tình trạng thất thoát, lãng phí đầu tư công còn lớn Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Dẫn vụ việc khu đất quốc phòng ở Hải Phòng bị lấn chiếm trước sự bất lực của chính quyền hay vụ đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn bị "xẻ thịt"…, ĐB Dương Trung Quốc nhấn mạnh chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm. "Chắc chắn không có cái gì lọt qua mắt nhưng lại có cái lọt qua tay! Chúng tôi mong có lộ trình để luật pháp được thực thi và đây là cách tốt nhất để bảo vệ bộ máy cán bộ" - ông Quốc nói.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, bày tỏ lo lắng về tình trạng thất thoát, lãng phí đầu tư công còn lớn. "Nếu như đầu nhiệm kỳ, nhiều ĐB phản ứng gay gắt về 12 dự án thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng do Bộ Công Thương quản lý thì bây giờ lại phát sinh các dự án do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quản lý" - ông Cầu nói. Dẫn hàng loạt ví dụ như: Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỉ đồng vừa nghiệm thu thông xe đã hỏng sau vài trận mưa; dự án đường sắt Hà Đông - Cát Linh đội vốn hơn 18.000 tỉ đồng; dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên đội vốn 272%..., ĐB Cầu đề nghị Chính phủ, Quốc hội xử lý nghiêm những sai phạm này.
"Nếu không, sắp tới đây, khi nhà nước giao cho Bộ GTVT quản lý dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam và nhiều công trình giao thông quan trọng của đất nước với tổng mức đầu tư hàng triệu tỉ đồng thì thất thoát lớn là điều khó tránh khỏi" - ông Cầu cảnh báo.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu còn dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, cho rằng Bộ GTVT có 27/42 dự án điều chỉnh tăng thêm vốn, tương đương 97,2 triệu USD. Cứ tình trạng điều chỉnh tăng thêm và kéo dài thời gian thế này thì thất thoát, lãng phí là điều không thể tránh khỏi.
Nhức nhối tín dụng đen
Quan tâm đến vấn đề thời sự hiện nay là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhìn nhận những bất cập của nền kinh tế, như nợ công giảm nhưng nợ nước ngoài và nợ Chính phủ có xu hướng tăng; doanh nghiệp tư nhân chưa đủ lực gánh vác nền kinh tế; 70% xuất khẩu đang nằm trong tay khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… sẽ được "hóa giải" bởi cuộc cách mạng công nghệ 4.0. "Thật may mắn là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt các quốc gia vào cùng vạch xuất phát trong quá trình tìm kiếm tăng trưởng mới, mở ra cho đất nước những cơ hội để rút ngắn khoảng cách lạc hậu, vượt qua bẫy thu nhập trung bình" - ông Nhân chia sẻ.
Tuy vậy, theo vị ĐB của tỉnh Bình Dương, tâm thế và nội lực của chúng ta lại là lực cản đáng kể trên con đường đi đến quốc gia khoa học - công nghệ. Ông Nhân chỉ rõ: "Một bộ phận dường như dị ứng với đổi mới sáng tạo. Khi cuộc chiến giữa Vinasun và Grab chưa đi đến hồi kết thì Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông không cấp phép cho Facebook phát sóng Giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam. Hay như khoản đầu tư 500 tỉ đồng để phát triển khoa học - công nghệ của gốm sứ Minh Long không được hỗ trợ dù rất nhiều cơ quan chức năng vào cuộc… Tâm thế vẫn chưa sẵn sàng cho cuộc dấn thân lần này".
Một điều đáng lo ngại khác trong nhóm vấn đề kinh tế được ĐB Lê Duy Vượt (Gia Lai) nêu ra là thực trạng tín dụng đen hoành hành, gây bất an xã hội. Theo ông, loại hình cho vay lãi suất cắt cổ này đang bủa vây người yếu thế, từ thành thị đến nông thôn, tới từng ngóc ngách, bản làng. Tín dụng đen đánh vào những người dân nghèo vì hoàn cảnh túng quẫn, bí bách, sức phòng vệ kém nên đành chấp nhận vay nặng lãi. "Với cách đòi nợ kiểu xã hội đen hiện nay, người dân buộc mất đất, mất nhà, đẩy gia đình vào cảnh nghèo đói. Nhiều người vì cùng quẫn trong vòng vây nợ lãi cao trở thành "những chị Dậu mới", thậm chí cùng quẫn, gây hậu quả lớn đến trật tự xã hội" - ông bày tỏ lo lắng.
Ông Vượt cũng nêu tồn tại hiện nay là các cơ quan tư pháp rất khó khăn trong xử lý cả về hình sự, hành chính bởi các quy định bất cập, thiếu chặt chẽ. "Cơ quan quản lý phải quyết liệt chỉ đạo, đẩy lùi và ngăn chặn tình trạng này" - ông Vượt nhấn mạnh.
Cần đẩy mạnh sáp nhập đơn vị hành chính
Thảo luận về một số vấn đề xã hội vào sáng cùng ngày, ĐB Tạ Văn Hạ (tỉnh Bạc Liêu) cho rằng công tác sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm, bộ máy vẫn cồng kềnh. Đặc biệt, chưa tinh giản được những trường hợp có đạo đức công vụ, năng lực yếu kém. Để đạt kết quả cao hơn nữa, ông Hạ đề nghị nên đẩy mạnh việc sáp nhập các đơn vị hành chính cho tinh gọn.
Cũng bàn về tinh giản biên chế, ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nhấn mạnh thêm việc tinh giản biên chế đối với viên chức còn nặng tính cơ học, chưa tính toán thấu đáo dẫn đến tình trạng thừa - thiếu cục bộ ở các địa phương. Ông góp ý riêng với biên chế giáo viên: "Không thể nhồi nhét học sinh ở các TP, thị xã; không thể ghép điểm trường ở miền núi khiến các em đi học quá xa. Cần phải xã hội hóa mạnh mẽ lĩnh vực giáo dục".
Bình luận (0)