Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (ĐKKD) ra "tối hậu thư" cho các bộ, cơ quan ngang bộ trước ngày 15-8 phải hoàn thành việc ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền các văn bản để thực hiện phương án cải cách.
Tỉ lệ thấp, chưa thực chất
Thực tế, các bộ, ngành vẫn đang trong quá trình rà soát, xem xét. Điều này khiến dư luận thắc mắc "rà soát" đến bao giờ và cho rằng chất lượng đơn giản, cắt giảm ĐKKD chưa đồng đều, có tình trạng chạy theo con số, đối phó, không thực chất. Chính phủ đánh giá vẫn còn một số bộ, cơ quan ngang bộ chưa thực sự chú trọng đến công tác này.
Theo báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng về cải cách hoạt động KTCN, đến cuối tháng 7 mới cắt giảm, đơn giản hóa 616/9.339 danh mục sản phẩm hàng hóa phải KTCN, chỉ đạt 6,6% so với yêu cầu đặt ra. Kết quả của việc đơn giản, cắt giảm ĐKKD cũng không mấy khả quan hơn so với cải cách hoạt động KTCN, chỉ mới cắt giảm 900/5905 ĐKKD (chiếm 15,2%). Các doanh nghiệp (DN) vẫn lo ngại những con số về cắt giảm chỉ được nêu ra cho "đẹp" nhằm đối phó.
Nhìn nhận việc cắt giảm ĐKKD chưa đạt yêu cầu, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng những con số báo cáo quá khiêm tốn nêu trên là do một số bộ, ngành chỉ bỏ một nội dung rất nhỏ trong tổng thể một ĐKKD, không phải bỏ hoàn toàn điều kiện đó. "Bên cạnh đó, vẫn chưa có sự đồng đều trong quá trình cắt giảm. Có bộ tích cực, có bộ trì trệ" - ông Lộc nhấn mạnh. Chủ tịch VCCI đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương và Bộ Y tế đã "cởi trói" rất nhiều lĩnh vực cho DN. Tuy nhiên, ông Lộc cũng phân tích điểm nghẽn trong việc cắt giảm ĐKKD, cải cách thủ tục hành chính hiện nằm ở các cục, vụ của các bộ.
Tổ công tác của Thủ tướng cho biết các hiệp hội, DN phản ánh thủ tục KTCN và ĐKKD vẫn còn phiền hà, mất thời gian và phát sinh chi phí. Các phương án cắt giảm được đưa ra nhưng chưa áp dụng trên thực tế, đơn cử như trường hợp DN đã thực hiện theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP nhưng lại vướng Thông tư 24/2017/TT-BNNPTNT nên hàng hóa vẫn lưu tại cảng hơn 80 ngày.
Công tác cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục chuyên ngành vẫn mang tính đối phó, chưa thực chất
Biến tướng điều kiện kinh doanh
ĐKKD phiền hà vẫn là vấn đề nhức nhối đối với DN, là rào cản và làm tăng chi phí. Theo đánh giá của VCCI, một số điều kiện được đơn giản hóa trong các phương án cắt giảm nhưng thực chất các đề xuất cắt giảm này không có nhiều ý nghĩa, ĐKKD của DN cũng không đơn giản hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra bất cập về thời gian rà soát, xem xét để ra nghị định cắt giảm ĐKKD là quá lâu. Theo bà Lan, việc rà soát, xem xét, xây dựng dự thảo… mất vài năm là điều đáng tiếc đối với DN bởi trong khoảng thời gian đó có thể quyết định sự "sống còn" của họ.
Bà Lan kiến nghị thời gian tới, các bộ, ngành cần đẩy mạnh rà soát việc cắt giảm và phải thể hiện thái độ quyết liệt. "Cần tránh để xảy ra hiện tượng biến tướng của ĐKKD, gây khó cho DN khi điều kiện đó ẩn mình dưới một hình thức, điều kiện khác mà buộc họ phải thực hiện" - bà Lan khuyến cáo.
Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho biết thực trạng lạm dụng các ĐKKD, đặt ra các yêu cầu không cần thiết hoặc vượt quá mục tiêu kiểm soát rủi ro diễn ra khá phổ biến ở nhiều ngành, lĩnh vực. Bất cập này đã khiến hoạt động kinh doanh của DN bị cản trở, thậm chí cơ quan nhà nước can thiệp quá mức vào hoạt động này.
Cụ thể hơn, mới đây, cộng đồng DN kinh doanh gas đã kêu khổ vì sổ theo dõi bán bình gas. Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định số 87/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh khí. Theo đó, các thương nhân khi kinh doanh phải ghi chép theo biểu mẫu gồm những thông tin bắt buộc để theo dõi số lượng bình gas nạp, phân phối mỗi ngày, các đại lý cũng phải ghi sổ theo dõi theo biểu mẫu về số lượng bình gas xuất, nhập hằng ngày. Theo một số DN, mỗi ngày thương nhân chiết nạp vài ngàn bình gas, việc buộc họ phải ghi sổ theo dõi nạp bình gas bằng số xêri là rất tốn công và bất khả thi.
Liên quan đến công tác này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng. Đặc biệt, chú trọng việc cải cách hoạt động KTCN và ĐKKD phải thực chất, khắc phục triệt để những bất cập hiện nay, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, giảm tối đa chi phí cho người dân và DN.
Ban hành 500 văn bản về ĐKKD mỗi năm
Theo VCCI, trung bình mỗi năm, các cơ quan nhà nước trung ương ban hành trên dưới 1.000 văn bản quy phạm pháp luật, khoảng 50% số văn bản này có liên quan đến hoạt động kinh doanh. Trong đó có từ 10-20 luật, khoảng 200 nghị định và quyết định của Thủ tướng, còn lại là thông tư của các bộ và cơ quan ngang bộ.
Bình luận (0)