Trước hết, về tăng tuổi hưu. Chính sách lao động liên quan đến BHXH trong những năm qua có nhiều thay đổi nhưng đáng buồn là phần lớn không tăng được phúc lợi cho người lao động. Nay nếu đề xuất nâng tuổi hưu được Quốc hội chấp thuận đưa vào luật sẽ là đòn mạnh giáng vào bao người làm công ăn lương.
Tăng tuổi hưu đồng nghĩa kéo dài thời gian đóng và rút ngắn thời gian hưởng. Nói cho sòng phẳng, với lý do an toàn, các nguồn quỹ tích lũy luôn mong muốn thu nhiều - chi ít. Nhưng chi ít đến mức độ nào đó sẽ triệt tiêu tính chất an sinh xã hội của nguồn quỹ.
Với phần lớn lao động làm việc trong hệ thống nhà nước, tăng tuổi hưu họ sẽ có thêm thời gian làm việc hưởng lương. Không ít người khác ắt hẳn vui mừng vì sẽ tiếp tục tại vị bởi nguồn thu nhập lớn, không quá phụ thuộc vào tiền hưu trí. Thế nhưng hầu hết lao động còn lại, nhất là lao động trực tiếp sản xuất, sẽ lâm vào khó khăn. Ngay trong điều kiện hiện nay họ cũng không thể làm việc đến tuổi 50 chứ nói gì đến tuổi hưu. Không còn chọn lựa nào, phải nhận trợ cấp BHXH một lần và khi tiêu hết số tiền này họ phải sống bám vào người khác. Hậu quả sẽ rất lớn, kéo dài đến vài chục năm và ảnh hưởng đến những thế hệ tiếp theo.
Hãy hình dung sẽ khó khăn như thế nào nếu một gia đình với người 30-40 tuổi phải cáng đáng cho cha mẹ hơn 60 tuổi trong lúc con cái đang còn nhỏ. Thu nhập bình quân hiện nay của người dân còn thấp, nên không thể lo chu toàn cho cả thế hệ trước và sau. Đến một lúc, gánh nặng này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chính sách phát triển của quốc gia. Đừng nên so sánh với các nước phát triển rằng tuổi hưu của họ cao. Bởi điều kiện lao động của nước họ rất tốt và bình đẳng. Ngoài an sinh xã hội, người hết tuổi lao động còn các nguồn phúc lợi khác như chăm sóc y tế miễn phí, dưỡng lão, trợ cấp công cộng, trợ cấp phụ nữ mang thai và trẻ em... Không phải như ở ta, chủ yếu phải dựa vào lương hưu mà tiền này cũng chẳng nhiều nhặn gì.
Tiếp đến là đề xuất tăng giờ làm thêm cũng thế. Tăng giờ làm thêm sẽ bào mòn sức lực của người lao động và đẩy họ đến tình trạng mất sức trước khi nhận được nguồn an sinh từ BHXH. 400 giờ/năm chỉ là con số trong văn bản luật, còn trên thực tế đó sẽ là nỗi khổ khôn cùng trong những phân xưởng đầy mồ hôi. Hình ảnh sau con số này là người lao động vạ vật trở về phòng trọ, là bệnh nghề nghiệp làm họ ngã quỵ và là mất đi bao cơ hội gần gũi, chăm sóc con cái, gia đình, chưa nói đến chuyện còn thời gian tận hưởng cuộc sống.
Xã hội ngày càng phát triển, không lẽ chính sách về lao động lại dần lạc hậu?
Bình luận (0)