Làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng mới đây, Bộ Công Thương thông báo đã cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh - một con số lớn chưa từng có trong lịch sử ngành.
Đây là bước tiến trong nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên, cùng với cải cách thủ tục là phải cải cách bộ máy. "Cơ chế thế nào bộ máy thế ấy. Chúng ta không sinh ra bộ máy rồi mới soạn ra cơ chế để bộ máy đó có đủ việc làm" - ông Thiên nói.
Đây chính là mấu chốt của tình trạng trì trệ vì thủ tục kéo dài nhiều năm qua, trong hầu hết các bộ, ngành. Dĩ nhiên, để vận hành bộ máy là con người. Bộ máy trơn tru thông suốt hay trì trệ, ách tắc là phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ nhân sự về tay nghề chuyên môn, đạo đức công vụ. Nhất là đạo đức công vụ, vấn đề được nhắc đến khá nhiều khi nói đến sự vận hành của cơ chế, sự rối rắm của thủ tục, làm cản đường phát triển của doanh nghiệp (DN) và xã hội nói chung.
Ai cũng biết chữ ký của sếp là cực kỳ quan trọng, nhất là những cơ quan, DN lập dự án, xin phép duyệt đơn hàng, thậm chí xin cấp trong chỉ tiêu hạn ngạch… Nhưng các ông (bà) chuyên viên mới là chốt chặn hay mở cánh cửa vào phòng, đặt hồ sơ trình ký lên bàn của sếp. Nếu "không may" hôm đó chuyên viên ấy "đang rất lắm việc", DN không "biết điều" thì hồ sơ cứ thế mà bị ngâm. DN ở tuốt miền Trung, trong Nam làm sao chịu nổi cảnh ra Hà Nội ăn dầm nằm dề mà "thi gan", thôi thì chiều lụy để các ông (bà) "giúp" cho nhanh chóng mọi bề.
Ở các bộ, ngành hôm nay vẫn còn hàng trăm, thậm chí cả ngàn thủ tục chưa được tháo gỡ. Khi kiểm tra tại Hải Phòng, Tổ công tác của Thủ tướng ghi nhận cơ quan kiểm tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm xét nghiệm tại chỗ thì với Bộ Y tế - không có lavabo xét nghiệm tại chỗ nên tất cả DN đều phải "xếp hàng lên Núi Trúc (Hà Nội)" - trụ sở cơ quan chuyên môn của ngành y tế. Kiểm tra tại cảng chỉ bằng cảm quan, trong khi không công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiền thu một bộ hồ sơ là 1,05 triệu đồng. Cũng ở bộ này, dù Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận không quy định yêu cầu DN phải sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm mà việc kiểm tra hàm lượng i-ốt chỉ áp dụng với 75 cơ sở sản xuất muối, không kiểm tra trong sản phẩm cuối cùng là thực phẩm đã chế biến, vụ trưởng Vụ Pháp chế vẫn thừa lệnh bộ trưởng ký một công văn hoàn toàn trái ý kiến kết luận...
Cho nên, lập "thành tích" như Bộ Công Thương thì đúng là đáng mừng nhưng hãy mừng ít thôi vì những thủ tục bị dẹp bỏ đó từng là "thành trì" cũ do chính hệ thống bộ, ngành xây nên để làm khó DN, làm khổ cấp dưới nhưng lại dễ san sẻ trách nhiệm khi xảy sự cố. Đồng thời, phải nâng "quan trí", nâng chất lượng cán bộ, công chức, không lạm quyền, nhũng nhiễu, gây trì trệ cho cả bộ máy.
Từ kết quả của Bộ Công Thương, người dân và DN mong sao Chính phủ thúc giục các bộ, ngành, địa phương trong việc cải cách thủ tục, loại bỏ "giấy phép con", công khai, minh bạch các quy trình để hạn chế thói nhũng nhiễu, vòi vĩnh. Một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động không bao giờ có chỗ cho những lề thói trì trệ và tham nhũng.
Bình luận (0)