Nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) làm nước mắm truyền thống không "xin" được giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm vì bị cơ quan tiếp nhận yêu cầu chứng minh nước mắm có sử dụng muối i-ốt.
Không thể bổ sung i-ốt vào nước mắm
Giám đốc một DN kinh doanh nước mắm truyền thống lo lắng cho biết giấy xác nhận công bố sản phẩm nước mắm sắp hết hạn nhưng chưa thể làm mới vì gặp vướng. "Họ yêu cầu thêm chỉ tiêu i-ốt theo Nghị định 09/2016 về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm nhưng chúng tôi không thể đáp ứng. Lý do là nếu cho i-ốt vào nước mắm sẽ làm thay đổi màu, mùi, làm mất vị đặc trưng của sản phẩm truyền thống. Được biết, không chỉ công ty tôi mà tất cả DN làm nước mắm truyền thống khi ra sản phẩm mới hoặc công bố lại sản phẩm đều gặp vướng tương tự" - vị giám đốc này nói.
Nước mắm truyền thống được giới thiệu tại TP HCM
TS Nguyễn Thị Dung - chuyên gia công nghệ thực phẩm, người gắn bó lâu năm với nghề nước mắm truyền thống - cho biết đây là vướng mắc chung của ngành hàng nhưng các tiếng nói đơn lẻ chưa được lắng nghe. Do đó, sắp tới, các hiệp hội nước mắm truyền thống sẽ có kiến nghị gửi Thủ tướng, Bộ Y tế để tháo gỡ. Theo bà Dung, cơ quan thực thi đã cứng nhắc với mục tiêu phải bổ sung i-ốt để dân bớt bướu cổ mà không hiểu công nghệ từng mặt hàng. "Với nước mắm, tôi xin khẳng định không thể dùng muối i-ốt để ướp cá từ đầu vì làm mắm là quá trình lên men, i-ốt sẽ ức chế quá trình này. Nếu cho i-ốt vào nước mắm thành phẩm sẽ làm cho nước mắm chuyển sang màu đen, người tiêu dùng sẽ tẩy chay. Cách đây hơn chục năm, Viện Dinh dưỡng đã từng thực hiện đề tài bổ sung i-ốt vào nước mắm và đã thất bại. Theo tôi, việc tăng cường vi chất là cần thiết nhưng phải bổ sung vào thực phẩm nào phù hợp, không phải tất cả đều phải bổ sung. Trước giờ, nhà nước đã khuyến cáo người dân ăn tôm, cá để có nhiều i-ốt, người dân miền biển đủ i-ốt rồi, giờ sử dụng bổ sung xảy ra tình trạng thừa i-ốt thì sao?" - TS Dung đặt vấn đề.
Nhiều ngành bị vướng
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM, xác nhận nhiều DN hội viên ngành nước mắm bị vướng khi bị yêu cầu phải sử dụng muối i-ốt. Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, một lãnh đạo Ban An toàn thực phẩm TP HCM cũng cho biết có nghe DN nước mắm "kêu khó" về vấn đề trên. Quy định này không mới, có hiệu lực từ tháng 3-2017 nhưng trong suốt quá trình dự thảo nghị định và giai đoạn chuyển tiếp (1 năm) không thấy DN có ý kiến. Đến khi DN làm thủ tục thì mới "kêu". Tuy nhiên, do đây là quy định của nghị định, vượt quá thẩm quyền TP HCM nên trước mắt, các DN vẫn phải chấp hành.
Không chỉ nước mắm, một số ngành hàng thực phẩm khác cũng kêu khó trước quy định bổ sung vi chất. Ngày 22-8 vừa qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam có kiến nghị gửi Bộ Y tế về vấn đề trên. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Nghị định 09/2016 chỉ yêu cầu bắt buộc bổ sung i-ốt vào muối ăn trực tiếp và muối sử dụng trong chế biến thực phẩm và kiểm soát việc bổ sung i-ốt tại các cơ sở sản xuất muối sử dụng cho 2 mục đích trên. Thế nhưng, khi Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện lại yêu cầu các DN sử dụng muối trong chế biến thực phẩm để tiêu dùng trong nước đều phải sử dụng muối có tăng cường i-ốt". Điều này gây nên nhiều hệ lụy cho các DN chế biến thực phẩm. Cụ thể, phải thay đổi chỉ tiêu trong thủ tục công bố chất lượng đến việc phải xin các cam kết của các cơ quan nhà nước, phải in lại hàng loạt bao bì, nhãn mác, gia tăng các kiểm nghiệm mục tiêu về chỉ tiêu i-ốt… gây tốn kém thời gian và chi phí.
Nếu sản phẩm bị ảnh hưởng, hãy đem lên bộ!
Theo bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, sở dĩ có nghị định tăng cường vi chất là do qua các nghiên cứu cho thấy người Việt Nam đang bị hụt các vi chất so với các giai đoạn trước nên cần bổ sung theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế vì sức khỏe cộng đồng. Có nhiều DN nói rằng bổ sung i-ốt làm thay đổi mùi vị, màu sắc sản phẩm và chúng tôi đề nghị DN mang sản phẩm đến để cùng nghiên cứu tháo gỡ nhưng chưa có DN nào mang đến. Kinh nghiệm tại Philippines cho thấy sau 5 năm áp dụng bổ sung vi chất, dù DN có kêu ca nhưng không có sản phẩm nào bị biến đổi mùi vị, màu sắc được xác nhận.
Bình luận (0)