xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lợi dụng hộ nghèo, trục lợi dự án

Bài và ảnh: Cao Nguyên

Nắm được quy định về bồi thường, hỗ trợ đối với hộ nghèo, đồng bào thiểu số bị thu hồi hết đất sản xuất cao hơn mức chung, 2 cán bộ địa chính đã nhờ các hộ này đứng tên để trục lợi

Ngày 17-8, đại tá Phạm Minh Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với 3 bị can để điều tra làm rõ hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Gom đất, nhờ người nghèo đứng tên

Ba bị can bị bắt tạm giam là nguyên cán bộ địa chính xã Cư Elang, huyện Ea Kar gồm: Lê Thành Nguyên (SN 1983), Hoàng Trọng Nghĩa (SN 1984) và Lê Sơn (SN 1984).

Lợi dụng hộ nghèo, trục lợi dự án - Ảnh 1.

Bị can Lê Sơn (bìa phải) nghe đọc lệnh bắt tạm giam

Theo kết quả điều tra ban đầu, năm 2010, hai ông Nguyên, Nghĩa được giao nhiệm vụ tham gia lập hồ sơ đền bù dự án giải phóng mặt bằng hồ thủy lợi Krông Pắk Thượng. Hai ông có dấu hiệu nhờ một số người dân thuộc các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo đứng tên để trục lợi, nhận được nhiều tiền đền bù.

Cụ thể, ông Nguyên biết rõ thửa đất số 34, tờ bản đồ số 13 là của ông Lê Hùng Cường và ông Trương Công Mỹ mua lại của 2 hộ là Y Knữh và Y Djuih Niê nhưng nhờ hộ ông Y Thiên Ktla (hộ nghèo) đứng tên chủ sử dụng đất, lập hồ sơ bồi thường, khai nhận đất khai hoang từ năm 1997 để được xét duyệt, nhận đền bù hỗ trợ 1,159 tỉ đồng. Sau đó, số tiền này được chia phần trăm theo thỏa thuận trước đó cho những người liên quan.

Còn ông Nghĩa do nắm rõ thông tin về việc nhà nước sẽ tiến hành việc thu hồi đất và đền bù tại khu vực dự án thuộc buôn Ea Rớt, xã Cư Elang nên đã mua đất của các hộ H’Nĩ Niê, Y Lan Niê, Y Khoan Niê. Sau đó, ông Nghĩa nhờ hộ bà H’Nĩ Niê và ông Y Thoai Byă (là các hộ nghèo) đứng tên chủ sở hữu đất để làm hồ sơ và nhận hơn 2,3 tỉ đồng tiền đền bù. Sau khi chia cho những người liên quan, ông Nghĩa lấy 450 triệu đồng.

Riêng ông Lê Sơn đã không tham gia kiểm đếm, xác định nguồn gốc, hiện trạng đất của ông Y Thoai Byă và bà H’Nĩ Niê nhưng đã ký xác nhận vào biên bản kiểm kê, làm phương án bồi thường tái định cư… dẫn đến bồi thường không đúng đối tượng, không có căn cứ.

"Do tính chất của vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều người nên cơ quan sẽ tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý nghiêm theo quy định" - đại tá Phạm Minh Thắng cho biết thêm.

Được chia từ 36-300 triệu đồng

Trước đó, chính những người dân được nhờ đứng tên đã có đơn tố giác sai phạm trong việc lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Ông Y Thoai Byă thừa nhận được ông Nghĩa nhờ đứng tên để nhận giúp tiền bồi thường. Ông Nghĩa tự làm hồ sơ, thủ tục rồi đưa cho ông Y Thoai Byă ký và được ông Nghĩa cho lại 300 triệu đồng.

Còn bà H’Nĩ Niê cho biết năm 2015, ông Nghĩa đến mua 1 ha đất (nằm trong quy hoạch) của bà với số tiền 40 triệu đồng. Sau đó, ông Nghĩa đã đến nhờ gia đình bà đứng tên để nhận tiền bồi thường mảnh đất trên và được cho 185 triệu đồng.

Trong khi đó, ông Y Thiên Ktla cho rằng ông Nguyên biết ông là hộ nghèo nên đã nhờ đứng tên một lô đất trong khu quy hoạch tái định cư. Sau đó, ông Nguyên tự làm thủ tục, giấy tờ rồi đưa cho ông ký tên. Ông Y Thiên Ktla nhận thay cho ông Nguyên 1,159 tỉ đồng tiền bồi thường lô đất và được ông Nguyên cho 36 triệu đồng.

Chậm đến bao giờ?

Dự án hồ thủy lợi Krông Pắk Thượng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư phần thi công, UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư phần giải phóng mặt bằng và xây dựng kênh nội đồng. Dự án khởi công vào tháng 6-2010, dự kiến sau 5 năm sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, 8 năm trôi qua, công trình vẫn đình trệ.

Ông Mai Quang Vượng, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng thủy lợi 8 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết hơn một năm nay, các nhà thầu đã tập kết máy móc, thiết bị đến công trường nhưng đành phải dừng lại vì mặt bằng chưa được bàn giao.

Một vấn đề khác, dự án có tổng vốn đầu tư 2.993 tỉ đồng nhưng chỉ có 180 tỉ đồng dành cho công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư. Đến nay, số tiền cho việc giải phóng mặt bằng, di dân lòng hồ đã dự toán lên đến trên 940 tỉ đồng. Điều lạ là nguồn vốn điều chỉnh cho việc tái định cư chưa được Chính phủ phê duyệt nhưng các hạng mục vẫn thi công.

Lý giải về vấn đề này, ông Phạm Quang Tâm, Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Ea Kar, cho rằng phần giao cho tỉnh thực hiện tổng số vốn 511 tỉ đồng, trong đó có 180 tỉ đồng cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng vùng tái định cư, 231 tỉ đồng là xây dựng kênh mương nội đồng. Nhưng kênh mương nội đồng chưa thực hiện vì đập chính chưa làm xong nên xin chuyển tiền sang làm bồi thường trước.

Cũng theo ông Tâm, đến cuối năm 2017, đơn vị đã cơ bản hoàn thành xây dựng khu tái định cư số 1 nhưng khu tái định cư này không thể tiếp nhận 511 hộ như kế hoạch mà chỉ có khả năng đáp ứng cho 300 hộ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo