Chia sẻ với phóng viên một ngày sau khi biết tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần, ông Trần Đức Nguyên - nguyên trợ lý đặc biệt của Thủ tướng, nguyên Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng - đã bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn về vị cấp trên đáng kính.
Nghiêm khắc mà bình dị, gần gũi
Là người gần gũi, thân cận với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Nguyên khẳng định nguyên Thủ tướng là người không ham quyền lực, không vụ lợi cho bản thân. "Là lãnh đạo cấp cao, đứng đầu Chính phủ, anh Khải lúc nào cũng tâm niệm một điều phải giúp dân, giúp nước, đau đáu trách nhiệm làm sao đưa đất nước phát triển, đi lên" - ông Nguyên bộc bạch.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong một lần nói chuyện với doanh nhân Ảnh: SƠN NHUNG
Để minh chứng cho một vị lãnh đạo nghiêm khắc với nạn "chạy chức chạy quyền", ông Trần Đức Nguyên kể lại chuyện có người gói cẩn thận chiếc phong bì 2.000 USD trong một cây thuốc lá rồi biếu cho Thủ tướng Phan Văn Khải. Vì cũng là người hút thuốc lá nên ông Nguyên được cấp trên cho lại để dùng, về nhà mở ra ông phát hiện bên trong có phong bì. Ông Nguyên đã báo cáo lại sự việc với Thủ tưởng Phan Văn Khải. Sau này, người biếu món quà trên đã bị Thủ tướng phê bình. Theo lời ông Nguyên, ông Phan Văn Khải đặc biệt nghiêm khắc với nạn biếu xén quà cáp để vụ lợi, chạy chức chạy quyền.
Tuy rất quyết đoán, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành nhưng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được đánh giá là người rất hiền lành, bình dị, gần gũi, luôn quan tâm đến mọi người. Ông Võ Hồng Phúc, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể: "Khi còn làm việc ở Ủy ban Kế hoạch nhà nước, anh Khải luôn căn dặn chúng tôi phải quan tâm đến đời sống của anh em khối văn phòng, phục vụ, nhất là anh em lái xe, tạp vụ".
Bệ đỡ doanh nghiệp tư nhân
Tư duy đổi mới, mở cửa, hội nhập và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân (DNTN) phát triển đã xuyên suốt quá trình lãnh đạo Chính phủ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Bởi vậy, theo ông Trần Đức Nguyên, ngay từ khi đảm nhận chức vụ Thủ tướng, ông Phan Văn Khải đã tổ chức ngay cuộc gặp với các DNTN trên cả nước, trong đó chủ yếu đến từ 3 tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. Từ đây mở ra một bước ngoặt mới cho kinh tế tư nhân phát triển.
Từng tháp tùng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong các chuyến công tác ở nước ngoài, ông Võ Hồng Phúc cho biết ông Khải rất quan tâm đến việc mở rộng quan hệ đối ngoại trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là khối DN. "Trong các chuyến công tác, Thủ tướng luôn yêu cầu tổ chức đoàn DN đi cùng, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác với DN nước ngoài. Có chuyến dù thời gian công tác gấp gáp nhưng Thủ tướng luôn dành trọn một buổi làm việc để chỉ đạo anh em doanh nhân trong việc tăng cường hợp tác đối ngoại" - ông Phúc nhớ lại.
DN - doanh nhân và môi trường kinh doanh là những ưu tiên hàng đầu của ông Phan Văn Khải trong suốt thời gian giữ trọng trách đứng đầu Chính phủ. Ông luôn xác định xây dựng hệ thống pháp luật đưa nền kinh tế phát triển theo hướng thị trường, là nền tảng quan trọng nhất để đất nước đi lên. Luật DN năm 1999 được thông qua (có hiệu lực từ năm 2000), mở đường cho hội nhập kinh tế là một trong những dấu ấn quan trọng của ông.
Kể về dấu ấn này, ông Võ Hồng Phúc nói: "Anh Khải nói với chúng tôi - những thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng - rằng luật đã có rồi, phải làm sao để thủ tục hành chính đơn giản hơn nữa, bảo đảm thực thi được; phải cởi mở, tạo điều kiện thông thoáng cho khối DNTN".
Sau đó, Tổ thi hành Luật DN được ông Phan Văn Khải chỉ đạo thành lập và giao cho ông Trần Xuân Giá, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, làm tổ trưởng, với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế giàu kinh nghiệm. Cũng trong thời gian này, hàng trăm giấy phép "con" cản trở sự phát triển của DN đã bị Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định bãi bỏ.
"Cha đẻ" của ngày Doanh nhân Việt Nam
Chỉ một thời gian ngắn sau khi Luật DN ra đời, cộng đồng DN Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự đổi mới tư duy về thị trường, kinh doanh. Chỉ trong năm 2000, số DN thành lập mới đã lên tới 31.000. Năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định chọn ngày 13-10 làm ngày Doanh nhân Việt Nam. Đây được xem là dấu mốc mở ra một trang mới trong lịch sử kinh tế nước ta, khi doanh nhân được ghi nhận đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của nước nhà.
Bình luận (0)