Trong mắt giới doanh nhân Việt Nam, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một người có công rất lớn trong việc đặt nền móng cho hội nhập kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân (KTTN).
Tạo nền tảng kinh tế vững chắc
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP HCM, nhận xét ông Phan Văn Khải thực sự là một Thủ tướng "kỹ trị" nhất, bền bỉ nhất trong nỗ lực xây dựng nền kinh tế thị trường, phát triển khu vực KTTN và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đến dự lễ khởi công xây dựng Khu Y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm - Shangri-La Ảnh: VĂN SƠN
TS Vũ Thành Tự Anh đánh giá ông Khải bình dị, thậm chí bình dân, rất gần gũi với mọi người. Tuy thế, trong chỉ đạo điều hành, ông là một nhà lãnh đạo quyết đoán. Vai trò của KTNN đã dần được định hình từ thời ông còn làm Chủ tịch UBND TP HCM. Chính nhờ sớm nhận thức về vai trò quyết định của KTTN nên từ thời phụ trách Tổ biên tập Chiến lược 1991, ông và tổ biên tập đã nhất trí ghi vào dự thảo "Trên con đường đổi mới, nhân vật trung tâm để chấn hưng kinh tế đất nước là các nhà kinh doanh thuộc nhiều tầm cỡ, từ người chủ kinh tế hộ gia đình gắn với thị trường đến người đầu tư và quản lý các doanh nghiệp lớn"…
Cũng theo TS Vũ Thành Tự Anh, dưới thời của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, khu vực KTTN lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã trở thành "người đối thoại chính sách" với Chính phủ thay cho thân phận "đối tượng cải tạo" mới hơn một thập niên trước đó.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho rằng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là vị Thủ tướng của thời kỳ hậu cấm vận của Mỹ, thời kỳ giải quyết bao vấn đề để Việt Nam hội nhập quốc tế, ASEAN, WTO... "Một trong những dấu ấn lớn của nguyên Thủ tướng là quyết định thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam, đưa Việt Nam tham gia thị trường tài chính quốc tế, huy động 750 triệu trái phiếu chính phủ đầu tiên tại thị trường New York..." - ông Hưng khẳng định.
Theo ông Hưng, 20 năm kể từ ngày ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng, Việt Nam xuất hiện một thế hệ doanh nhân trẻ năng động với khối DNTN đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, việc cổ phần hóa DN nhà nước do ông Khải khởi xướng mang lại những hiệu quả bước đầu, được những người kế nhiệm tiếp tục thực hiện; thị trường chứng khoán Việt Nam dần hoạt động chuyên nghiệp, trở thành kênh huy động vốn quan trọng có thể huy động nhiều tỉ USD cho nền kinh tế…
Công viên hóa bệnh viện
Là người tâm huyết với giáo dục và y tế, đặc biệt là với mong muốn TP HCM có một khu y tế kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã hun đúc, hỗ trợ và theo sát từng bước đi để có Khu Y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm - Shangri-La như ngày hôm nay.
Từ gợi ý công viên hóa bệnh viện của ông Phan Văn Khải vào năm 2006, bà Trần Thị Lâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Lâm, quyết định đầu tư xây dựng khu y tế kỹ thuật cao với quy mô theo quy hoạch 6 bệnh viện chuyên khoa kỹ thuật cao. Đến nay, nơi đây đã hình thành khang trang một mô hình bệnh viện hóa công viên, có trường học, nhà trẻ. Hai bệnh viện đã được xây hoàn chỉnh, trong đó Bệnh viện Quốc tế City (CIH) đã đi vào hoạt động.
Bà Lâm nhắc lại phát biểu của nguyên Thủ tướng: "Tôi rất mừng vì ước nguyện của tôi muốn công viên hóa các bệnh viện đã được thực hiện. Nếu có bệnh viện kỹ thuật cao, thu hút được người có tiền vào khám chữa bệnh thì ta không mất 2 tỉ USD/năm để khám bệnh ở nước ngoài, góp phần giảm tải ở TPHCM, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh".
Thực ra, xuất phát từ mong mỏi nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chính nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người đã kết nối, hỗ trợ để Tập đoàn Shangri-La đến hợp tác, đầu tư vào Khu Y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm - Shangri-La như hiện nay.
"Thương quý nhất là bác Sáu luôn theo dõi từng bước đi của khu y tế. Bác đã tặng cho bệnh viện CIH một chiếc xe điện để chở bệnh nhân, người thân đi lại trong khu. Rồi muốn khuôn viên bệnh viện đẹp, bác cho người về Củ Chi đem hàng trăm cây cau về đây trồng để bệnh viện có công viên xanh mát" - bà Lâm xúc động.
Không chạy theo những công trình kỳ vĩ hay những mục tiêu đầy tham vọng, bằng sự bền bỉ và những quyết sách căn cơ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cùng Chính phủ thời kỳ đó đã xây dựng được một nền tảng kinh tế và vị thế quốc tế chắc chắn và lành mạnh, có thể nói là chắc chắn và lành mạnh nhất trong lịch sử cận đại của Việt Nam".
TS Vũ Thành Tự Anh
Bình luận (0)