Hoạt động tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy xuyên quốc gia từ nước ngoài vào Việt Nam và trung chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng trên tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu. Đây là thông tin được ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), cung cấp tại cuộc họp báo chuyên đề về công tác phòng chống của ngành hải quan chiều 17-5.
Theo ông Hùng, Việt Nam được xác định là địa bàn trung chuyển ma túy từ các trung tâm ma túy "Tam giác vàng", "Trăng lưỡi liềm" ở châu Á; từ Nam Mỹ vào Việt Nam và đi các quốc gia khác. Lực lượng hải quan thời gian qua đã phối hợp với lực lượng công an, biên phòng triệt phá nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy lớn. Chỉ tính từ tháng 7-2018 đến nay, lực lượng liên ngành đã phát hiện, bắt giữ 129 vụ với 91 đối tượng. Qua đó thu giữ 218 kg heroin, 30 kg thuốc phiện, 725 kg ma túy đá, 127,6 kg cocain, 502 kg ketamin và 179.833 viên ma túy tổng hợp. Cơ quan hải quan nhấn mạnh, số lượng ma túy bắt được trong mấy tháng qua bằng cả 4-5 năm trước cộng lại, trong đó có vụ vận chuyển cả tấn ma túy đá.
Từ quá trình trên, ông Hùng nhận định, tội phạm ma túy trong và ngoài nước câu kết chặt chẽ với nhau hình thành các đường dây, tổ chức tội phạm với thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh và manh động. "Các băng nhóm tội phạm trang bị nhiều phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, vận chuyển ma túy bằng nhiều loại phương tiện khác nhau và sẵn sàng dùng nhiều loại vũ khí "nóng" chống trả khi bị phát hiện, bắt giữ" - ông Nguyễn Phi Hùng cho biết.
Lực lượng hải quan, công an bắt một vụ vận chuyển ma túy đá lớn ở TP HCM vào ngày 11-5 (Ảnh hải quan cung cấp)
Nổi cộm trong các đường dây buôn ma túy là các đối tượng có quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan, Lào. Chúng móc nối với các đối tượng ở trong nước để thực hiện các hành vi mua bán, vận chuyển qua biên giới thông qua các đường mòn, lối mở, qua hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Hiện nay, hoạt động buôn bán, vận chuyển ma túy qua các tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào - Campuchia đang diễn biến rất phức tạp.
Quá trình trinh sát, lực lượng Hải quan đã nắm bắt được thông tin về tội phạm sản xuất ma tuý tổng hợp ở Trung Quốc đã chuyển địa bàn sang Myanmar và Lào để tổ chức sản xuất các loại ma túy tổng hợp, sau đó tìm cách đưa về Việt Nam qua biên giới các tỉnh giáp với Lào và Campuchia. Tinh vi hơn, tội phạm còn trực tiếp thực hiện và thuê cư dân biên giới, các đối tượng lao động tự do thường xuyên qua lại 2 bên biên giới, thăm thân nhân, du lịch để vận chuyển. Ma túy được giấu bên trong các vali, túi xách thiết kế hai đáy, gia cố cất giấu giữa các cạnh, vách thùng đựng hàng hóa; cất giấu trong hàng tạp hóa, tượng, tranh sơn dầu, loa thùng...
Do tác động từ tình hình hoạt động mua bán, vận chuyển các loại ma túy vào Việt Nam trên tuyến biên giới phía Bắc có dấu hiệu chững lại do lực lượng chức năng trấn áp mạnh, tội phạm ma túy tìm cách chuyển địa bàn. Hiện nay tội phạm này chuyển hướng mua bán, vận chuyển ma túy từ Lào qua các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị vào Việt Nam và đưa sang nước thứ 3 tiêu thụ.
Lợi dụng quy định ưu đãi doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Thủy, Trưởng Phòng Phòng chống ma túy (Cục Điều tra chống buôn lậu), cho biết tội phạm lợi dụng chủ trương ưu đãi, thu hút đầu tư, thành lập doanh nghiệp để vận chuyển phương tiện, thiết bị, nguyên liệu, thuê kho bãi... phục vụ hoạt động sản xuất, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và tiếp tục đưa đi nước thứ 3 tiêu thụ. Chính sách tạo thuận lợi của nhà nước trong thông quan cũng bị tội phạm ma túy lợi dụng để cất giấu, trà trộn ma túy vào hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh.
Bình luận (0)