Dù là quyết định khó khăn nhưng cần sớm bình thường hóa các hoạt động kinh tế trên địa bàn TP HCM trong điều kiện "bình thường mới". Hơn 3 tháng qua, thực hiện chủ trương "chống dịch như chống giặc" của Chính phủ, TP đã vượt qua giai đoạn là điểm nóng của đại dịch, bảo vệ được sức khỏe của nhân dân nhưng cũng là nơi chịu hệ quả tiêu cực về kinh tế nặng nề nhất. Nguyên nhân bởi đặc điểm về quy mô, vị trí, cơ cấu kinh tế... khiến hoạt động kinh tế của TP có "độ nhạy" lớn hơn thông thường. Khi thị trường và chính sách thuận lợi, kinh tế trên địa bàn TP có sức bật rất nhanh và lúc tình hình diễn biến ngược lại thì cũng suy giảm mạnh hơn bất cứ nơi nào. Là địa bàn chiếm đến gần 50% số lượng DN hoạt động theo Luật DN và khoảng 10% tổng số hộ sản xuất - kinh doanh cá thể của cả nước, việc phục hồi kinh tế trên địa bàn TP không chỉ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của chính quyền TP, còn là vấn đề kinh tế của cả nước.
Vừa qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng cùng nhiều bộ, ngành đã ban hành hàng loạt nghị quyết, nghị định nhằm giải quyết đồng bộ 4 vấn đề: ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của dịch; bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ sản xuất - kinh doanh và tháo gỡ vướng mắc để đẩy mạnh đầu tư công. TP HCM bổ sung chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 02 của HĐND TP. Phần lớn các nội dung nêu trên đang trong quá trình thực hiện và có lẽ còn phải bổ sung nhiều chính sách, giải pháp mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Đặc biệt, cần bổ sung biện pháp mạnh hơn để tháo điểm nghẽn đầu tư công. Sự tắc nghẽn trong giải ngân đầu tư công với lý do chồng chéo, mâu thuẫn trong hàng loạt quy định có thể coi là điểm nghẽn rất điển hình về thể chế. Trong khi chờ đợi sửa đổi các luật có liên quan, TP HCM cần kiến nghị Chính phủ cho phép UBND TP triển khai dự án đầu tư, thủ tục giải ngân theo quan điểm "hợp tình nhưng có thể chưa hợp lý" và không bị quy trách nhiệm "cố ý làm trái" nếu hoàn toàn không có yếu tố tiêu cực, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Sẽ rất khó vượt qua những nút thắt nếu không có giải pháp đặc biệt mang tính tình thế, có thể gọi là "xé rào" để đi tới.
Tuy kinh tế đứng trước nhiều khó khăn nhưng vẫn có những nhân tố mang tính thời cơ của thời kỳ "hậu Covid-19". Đó là những gì nhà nước đã làm để chống dịch có thể khiến cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn về đầu tư, du lịch... Bên cạnh đó, DN nhận thấy rõ phải cơ cấu lại thị trường, gồm cả đầu vào - đầu ra, để tránh rủi ro; phải tham gia vào chuỗi giá trị mới có thể tồn tại, phát triển. Sau giai đoạn bị ức chế do đại dịch, nền kinh tế sẽ có sức bật như lò xo bị nén.
Tôi kiến nghị TP HCM xây dựng Chương trình phát triển kinh tế sau đại dịch, triển khai từ quý IV/2020 với nội dung hỗ trợ tài chính, tín dụng cho DN tham gia chuỗi sản xuất và dịch vụ. Cũng cần giải pháp thúc đẩy số hóa các hoạt động kinh tế và khởi động nhanh 2 đề án đang nghiên cứu triển khai là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và trung tâm tài chính quốc tế.
Bình luận (0)