Ngày 5-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2020.
Hỗ trợ người lao động từ 10-5
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết từ ngày 10-5 sẽ tập trung cao độ để giải quyết hỗ trợ cho người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dự kiến, đến ngày 15-5 sẽ chi trả hỗ trợ xong 4 nhóm đối tượng, gồm: người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo.
Thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, tất cả địa phương đã triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội đến người dân. 40/63 tỉnh, thành chi trên 20.000 tỉ đồng, trong đó 4 đối tượng cơ bản đã nhận được tiền hỗ trợ, giải ngân 12.400 tỉ đồng.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, số lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp trong tháng 4-2020 là 102.000 người, tăng 9% so với tháng 3. Số lao động bị chấm dứt hợp đồng đến cuối tháng 4-2020 là 670.000 người, tăng 270.000 người. Từ tháng 5, tình trạng này giảm và lao động bắt đầu trở lại làm việc.
Để kiểm soát chặt chẽ tình hình và xử lý nghiêm việc cầm cố, mua gom sổ BHXH hưởng chênh lệch, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng BHXH Việt Nam nghiên cứu và sẽ chuyển nhanh sang bảo hiểm điện tử.
Đề xuất giảm 2% lãi suất vay
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo dự thảo nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
"Chính phủ dự kiến giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Dự thảo nghị quyết cho phép các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam được nhập cảnh đặc biệt. Nghiêm cấm phân biệt, kỳ thị người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Cũng theo dự thảo này, sẽ cắt giảm 30% kinh phí hội họp, đi công tác trong nước; 50% kinh phí đi công tác nước ngoài.
Chính phủ họp trực tuyến thường kỳ tháng 4-2020 Ảnh: QUANG HIẾU
5 mũi đột phá
Tại phiên họp, các đại biểu cho rằng tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 thể hiện rõ nét ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Chẳng hạn, hàng không đã giảm đến 98%, du lịch quốc tế giảm tới 94,2%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì kinh tế tăng trưởng quý I/2020 đạt 3,82% - mức cao nhất trong khu vực ASEAN và châu Á.
Tại phiên họp, Chính phủ thống nhất cao cần ban hành nghị quyết chuyên đề về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Kết luận phiên họp, đề cập việc phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng nhấn mạnh không được chủ quan, mất cảnh giác, vẫn tiếp tục chưa cho khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, vẫn đeo khẩu trang nơi đông người. Kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trở lại.
"Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện nới lỏng để phát triển kinh doanh, nhất là các vùng công nghiệp trọng điểm, các đô thị lớn, những điểm tham quan nổi tiếng để phát triển mạnh du lịch nội địa" - Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng nêu rõ phải tập trung hơn nữa để khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, chứ không phải như dự báo của IMF là Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng 2,7%; kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn như vậy thì cần phải thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa là 5 mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển, vượt qua khó khăn giai đoạn này.
Thủ tướng đề nghị từng lãnh đạo bộ, ngành, địa phương sâu sát hơn, giải quyết kịp thời các bức xúc của người dân và doanh nghiệp. Đề cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết không để cơ quan hành chính, thủ tục hành chính, cán bộ, công chức cản trở sự phát triển. "Không phải quyền anh, quyền tôi lúc này mà chính là vì đất nước, vì dân tộc, vì 100 triệu dân" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Trường học không chống dịch cực đoan
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã hướng dẫn các sở, các trường về bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trở lại; đồng thời, lưu ý việc giãn cách học sinh phù hợp với điều kiện thực tế, không cứng nhắc, cực đoan. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tối 5-5, trả lời câu hỏi của báo chí về việc học sinh phải đeo khẩu trang, nón chống giọt bắn ở trường, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết quan điểm của bộ là "đã đi học phải an toàn", mà an toàn thì phải căn cứ vào đánh giá của cơ quan chuyên môn. Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ GD-ĐT và bộ dựa vào khuyến cáo này xây dựng tiêu chí đánh giá của nhà trường an toàn, trong đó có một số tiêu chí "cứng" như: giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn nhà trường... Tuy nhiên, không có tiêu chí nào là phải đeo nón chống giọt bắn, đây là sự sáng tạo của các địa phương!
Bình luận (0)