Thời gian qua, tình trạng tài xế sử dụng bia rượu, nghiện ma túy, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm, gây bức xúc xã hội. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm, tổ chức ngày 22-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo nhiều địa phương đều cho rằng chế tài xử phạt cho loại hành vi này hiện chưa đủ sức răn đe.
Chế tài còn nhẹ
Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết 6 tháng đầu năm, lực lượng CSGT tỉnh này xử lý 935 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn, ma túy; có 6 trường hợp người điều khiển xe dương tính với ma túy. Tỉnh này đã tạm giữ 935 phương tiện, tước giấy phép lái xe của 794 tài xế.
Nữ tài xế Nguyễn Thị Nga - người gây ra vụ tai nạn chết người ở Ngã tư Hàng Xanh (TP HCM), trong phiên tòa xét xử gần đây Ảnh: PHẠM DŨNG
Tuy nhiên, theo ông Khắng, trong quá trình xử lý vi phạm, lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn. Các tài xế uống rượu bia, dùng ma túy hầu hết đều hạn chế khả năng điều chỉnh hành vi, cá biệt mất tự chủ dẫn đến thái độ không chấp hành, kháng cự và chống lại lực lượng chức năng. Ngoài việc xử lý vi phạm theo Nghị định 46 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quan điểm về xử lý các hành vi khác như chống người thi hành công vụ, cản trở giao thông... giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa thống nhất nên hiệu quả phòng ngừa không cao; mức xử phạt còn thấp nên chưa đủ sức răn đe.
Còn theo ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, từ năm 2014, địa phương này đã phát hiện 217 lái xe dương tính với ma túy, riêng năm nay đã phát hiện 48 trường hợp. Ban An toàn giao thông tỉnh này đã yêu cầu các doanh nghiệp (DN) dừng ngay việc sử dụng tài xế dương tính với ma túy, thông báo cho Hiệp hội Vận tải ôtô Hải Dương để tránh việc tài xế chuyển từ DN này sang DN khác, cũng như gửi danh sách tài xế dương tính với ma túy về công an tỉnh để theo dõi, quản lý.
Ông Cương nêu bất cập là hầu hết việc khám sức khỏe do tài xế tự thực hiện ở các cơ sở y tế, không có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước nên rất dễ gian lận, trong khi theo quy định tại Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô thì chủ DN phải chịu trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho tài xế và sử dụng tài xế đủ sức khỏe theo quy định. Vì thế, việc phát hiện tài xế sử dụng ma túy còn hạn chế.
"Hiện chưa có chế tài xử lý các tài xế dương tính với chất ma túy mà mới chỉ quy định xử phạt hành chính và tước giấy phép lái xe có thời hạn với hành vi đang điều khiển phương tiện" - ông Cương băn khoăn.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nâng cao khâu sát hạch cấp giấy phép lái xe; kiểm tra kỹ hồ sơ học lái xe, giấy khám sức khỏe của người học; đồng thời yêu cầu các DN vận tải tổ chức khám sức khỏe lái xe định kỳ, đặc biệt không sử dụng tài xế sử dụng chất ma túy.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương đề nghị Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đưa việc kiểm tra tài xế sử dụng chất ma túy đối với tài xế kinh doanh vận tải là hoạt động bắt buộc, định kỳ hằng năm. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu chung toàn quốc về danh sách tài xế dương tính với ma túy để cơ quan chức năng theo dõi. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đề nghị cần tập trung vào giải pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức người dân về tác hại của rượu bia, ma túy, tạo hiệu ứng xã hội đồng tình ủng hộ trong việc xử lý vi phạm.
Kết nối Bộ GTVT với Bộ Công an
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết TNGT từ năm 2016-2018 liên tục giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, thiệt hại về người vẫn còn rất lớn. Còn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, nhất là tai nạn liên quan xe chở khách, xe tải nặng, tai nạn do tài xế vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy gây nên TNGT đã làm thiệt hại lớn về người và tài sản, gây tâm lý bất an, bức xúc trong nhân dân.
Từ thực tế trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương đề xuất dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ 2008. Bộ Tư pháp trình dự thảo sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng mạnh khung xử phạt vi phạm ATGT để tăng mức độ răn đe. Các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thành dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 46; hướng dẫn thực hiện Luật Phòng chống tác hại rượu, bia đã được Quốc hội thông qua.
"Quy định hiện nay đã cao rồi nhưng chưa đủ răn đe. Cứ nồng độ cồn 80 mg/100 ml máu thì coi như chuyển xử lý hình sự chứ không phải xử lý hành chính bình thường nữa. Hay là nghiện ma túy, nghiện rượu, thu ngay vĩnh viễn bằng lái. Luật Xử lý vi phạm hành chính phải sửa khung cao như một số nước. Phải sửa khung này, mang tính răn đe cần thiết, ít tốn kém mà lại hiệu quả cao" - Thủ tướng nói.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết chế tài xử phạt các hành vi vi phạm giao thông sẽ được sửa đổi theo hướng nặng hơn. Bộ GTVT sẽ kết nối với Bộ Công an tất cả dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera và đề nghị Bộ Y tế kết nối luôn cả dữ liệu kiểm tra sức khỏe tài xế để thống nhất trong công tác kiểm soát tài xế, bằng lái xe, các hoạt động liên quan đến vận tải.
Nghiêm khắc với lực lượng thực thi công vụ
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, bày tỏ ủng hộ việc tăng nặng chế tài đối với các hành vi vi phạm giao thông như uống rượu, bia, sử dụng ma túy khi lái xe. Tuy nhiên, quan trọng hơn là phải có chế tài nghiêm khắc với lực lượng thực thi công vụ trong lĩnh vực giao thông, như CSGT, thanh tra giao thông. Họ phải thực sự liêm chính, không được nhận hối lộ và bao che sai phạm của những người vi phạm giao thông. Nếu thực hiện nghiêm thì chế tài như các quy định hiện nay cũng đã đủ sức răn đe.
Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng đề xuất tước bằng lái vĩnh viễn đối với những tài xế uống rượu bia, sử dụng ma túy gây tai nạn ở mức nghiêm trọng là cần thiết và nên sớm được bổ sung vào luật. Thậm chí, cần sớm nghiên cứu quy định xử lý hình sự đối với tài xế uống rượu bia mà điều khiển phương tiện, kể cả khi chưa gây ra TNGT. Việc này nhiều nước đã quy định.
Bình luận (0)