Từ năm 2000-2002, ở ĐBSCL đều xuất hiện lũ lớn, có năm mực nước đỉnh lũ tại Tân Châu vượt qua 4,75 m. Tuy nhiên, hơn 10 năm gần đây, lũ lớn xuất hiện ít dần, trong thập kỷ này chỉ có năm 2011 xuất hiện lũ lớn, tần suất lũ nhỏ và trung bình lại tăng lên, thậm chí là lũ cực nhỏ như năm 2015.
Theo PGS-TS Tăng Đức Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, tổng lượng dòng chảy ở ĐBSCL phụ thuộc vào 2 yếu tố: nội địa (chỉ chiếm 5%) và thượng lưu (chiếm 95%). Tính đến năm 2019, các đập thủy điện ở thượng nguồn đã tích trữ 60 tỉ m3 nước. Theo quy hoạch đến năm 2040 khi các đập trên thượng nguồn sông Mê Kông được xây thêm sẽ giữ lại 110 tỉ m3 nước. "Qua tính toán, hiện tần suất xuất hiện lũ lớn ở đồng bằng từ 7%-10% (tức 10-15 năm xảy ra 1 trận lũ lớn). Nhưng đến năm 2040, tần suất chỉ còn 1%, nghĩa là mất hoàn toàn lũ lớn và phải trên 100 năm mới xuất hiện 1 lần và ĐBSCL sẽ không còn phù sa" - ôngThắng dự báo.
Với việc dòng chảy về ĐBSCL kiệt quệ sẽ làm gia tăng xâm nhập mặn, xói lở. Có thể thấy rõ nhất hiện nay là mùa mặn đến sớm hơn thời gian trước từ 1,5 - 2 tháng, bắt đầu từ giữa tháng 12, ảnh hưởng tới vụ đông xuân. Đến năm 2040 khi các đập thủy điện trên thượng lưu hoàn thành, tần suất các đợt mặn nghiêm trọng sẽ tăng lên với diện tích bị ảnh hưởng từ 65%-70% diện tích của toàn vùng. Các vấn đề môi trường tự nhiên nêu trên sẽ càng nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu kết hợp với tác động tiêu cực của các công trình sử dụng nước của các nước trên thượng lưu. Vì vậy, ĐBSCL không thể tự khắc phục mà phải có các biện pháp thích ứng phù hợp, nhất là việc thiếu nước ngọt cho canh tác.
Trong Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2020-2021, tầm nhìn 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện, chuẩn bị trình Thủ tướng phê duyệt vào cuối năm nay, đã chia ĐBSCL thành 3 tiểu vùng để thích ứng với những thay đổi trong tương lai, gồm: vùng nước ngọt, vùng chuyển tiếp (nước lợ), vùng mặn. Vùng nước ngọt gồm: khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên sẽ phục hồi không gian hấp thu lũ, tăng diện tích thủy sản nước ngọt, bỏ lúa vụ 3, phát triển sinh kế dựa vào lũ; khu vực nước ngọt giữa sông Tiền và sông Hậu chuyển đổi diện tích lúa để phát triển cây ăn trái, hoa màu, phát triển khu dân cư, đô thị; vùng nước ngọt ở Tây sông Hậu và Bắc bán đảo Cà Mau sẽ nuôi thủy sản và kiểm soát mặn.
Vùng chuyển tiếp gồm bán đảo Cà Mau, Quản Lộ Phụng Hiệp, Nam Măng Thít, khu vực nước lợ tại Bến Tre, Long An: duy trì mô hình canh tác lúa - tôm, phát triển thủy sản, lúa chất lượng cao và cây ăn trái. Vùng mặn: khu vực ven biển Đông, bán đảo Cà Mau, ven biển Tây: phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn, bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn ven biển, cửa sông, cấm khai thác nước ngầm…
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2020-2021, tầm nhìn 2050 vẫn xác định an ninh lương thực là chính nhưng không sản xuất nhiều như trước. Sản xuất lúa gạo bảo đảm nhu cầu nội địa, có dư mới xuất khẩu, để lại đất phát triển mạnh cây ăn trái, thủy sản, chăn nuôi.
Bình luận (0)