Hôm nay, 28-5, Quốc hội (QH) nghe báo cáo của đoàn giám sát của QH và thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa (CPH) DN nhà nước (NN) giai đoạn 2011-2016.
Đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp
Báo cáo giám sát do Trưởng đoàn giám sát của QH - Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển - ký nêu rõ hiệu quả hoạt động của DNNN còn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, thể hiện ở tổng tài sản và vốn tăng lần lượt 45,8% và 92,2% nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm, chỉ 18%. Bên cạnh đó, tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011, từ 1,29 lên 1,63 triệu tỉ đồng. Từ đó, chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế cũng như chưa dẫn dắt, thúc đẩy các các thành phần kinh tế khác.
Phiên tòa xét xử vụ OceanBank gây thất thoát nghiêm trọng vốn nhà nước Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Báo cáo "điểm" rõ địa chỉ các tập đoàn yếu kém trong công tác quản trị dẫn đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh giảm sút, như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG)... Đặc biệt, tại một số DNNN còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước, chẳng hạn: Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), PVN…
Đáng lưu ý, hoạt động đầu tư ra bên ngoài còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Lũy kế tính đến ngày 31-12-2016 đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỉ USD nhưng lợi nhuận chia cho Việt Nam năm 2016 chỉ là 145 triệu USD - tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện. Có 25,5% dự án báo lỗ; 29% dự án lỗ lũy kế. Nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại và rủi ro thị trường, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án.
Báo cáo cũng nhắc đến 12 dự án thua lỗ thuộc ngành công thương. Các dự án này vẫn chưa được xử lý trong khi nhiều tài sản không sử dụng, hao mòn theo thời gian, phát sinh nhiều chi phí như lãi vay, bảo dưỡng duy trì tài sản...
Lãnh đạo chưa gương mẫu
Theo nhận định của đoàn giám sát, một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ CPH theo kế hoạch đề ra. Những DN chưa CPH được theo kế hoạch đều là những DN có khó khăn, vướng mắc về vốn, tài sản, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ, vướng mắc về quyền lợi của các cổ đông... Ví dụ: Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất…
Tỉ lệ vốn nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao, kể cả ở lĩnh vực nhà nước không cần chi phối. Lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án CPH, nhiều tổng công ty có tỉ lệ bán ra ngoài được rất nhỏ (chỉ khoảng 1%-2% vốn điều lệ), dẫn đến chưa đạt mục tiêu của CPH là đổi mới quản trị và thu hút vốn từ bên ngoài.
Đáng lưu ý, CPH còn có vướng mắc liên quan đến đất đai. Quá trình UBND tỉnh, TP có ý kiến trả lời về phương án sử dụng đất và giá đất thường chậm dẫn đến việc phải kéo dài thời gian, điều chỉnh tiến độ CPH. Một số địa phương chưa kiên quyết trong việc thu hồi, xử lý đất đai của các DN sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai, như TP HCM, Hải Phòng, Thanh Hóa...
Báo cáo dẫn số liệu sau CPH, diện tích đất chưa đưa vào sử dụng đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là 2.888 ha, chiếm 1,41% tổng diện tích đất thuộc quản lý của các đơn vị này; đối với các DN thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương là 1.321 ha, chiếm 1,07% tổng diện tích đất.
Cũng liên quan đến CPH, báo cáo chỉ rõ một số cán bộ lãnh đạo, quản lý DN chưa gương mẫu, chưa làm tròn trách nhiệm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Việc xử lý kỷ luật đối với lãnh đạo một số DN chưa kịp thời, thiếu kiên quyết.
Trách nhiệm mơ hồ
Nhìn vào báo cáo giám sát, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh đánh giá việc quản lý vốn nhà nước ở các DNNN vừa qua kém hiệu quả và có nhiều lỗ hổng, gây ra rất nhiều thất thoát.
Đề xuất cách tháo gỡ, ông Doanh cho rằng cần phải bảo đảm trách nhiệm giải trình và công khai minh bạch thông tin về DNNN của các người quản lý vốn nhà nước. Song, vị chuyên gia cũng thẳng thắn nêu thực tế, không phải chủ tịch hay tổng giám đốc DNNN có quyền hạn cao nhất trong các đơn vị này. "Tôi đã làm việc với nhiều tổng giám đốc, chủ tịch các tập đoàn nhà nước. Họ cho rằng từ trước đến nay, họ không được tự chủ quản lý. Nhiều quyết định về đầu tư, về các dự án, họ đều phải trình lấy ý kiến cấp trên. Đặc biệt, rất nhiều dự án không phải họ tự đề xuất, tìm kiếm mà được các cơ quan "bên trên" gợi ý" - ông Doanh chỉ rõ và đặt câu hỏi: "Vậy trách nhiệm thực sự thuộc về ai?".
Theo ông, nếu thực hiện được việc quy trách nhiệm đúng người, thực hiện được sự công khai, minh bạch trong các dự án đầu tư... thì mới có thể kiểm soát được triệt để nguyên nhân gây thất thoát vốn nhà nước và từ đó ngăn chặn phát sinh.
TS Doanh cũng lưu ý một vấn đề khác trong quản lý vốn, tài sản nhà nước, đó là cần phải kiểm soát cả đất đai, tài nguyên rừng, biển, mỏ, quyền đi vay tiền, quyền được bảo lãnh chứ không chỉ riêng vốn chủ sở hữu. Ông cũng đặc biệt lưu tâm việc kiểm soát tính giá trị đất đai vào CPH, nhất là khi chúng ta đang cho vận hành cơ chế cho thuê đất.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng phải làm rõ được trách nhiệm của cá nhân nếu để xảy ra sai phạm trong quá trình CPH. "Chỉ khi xử lý nghiêm được cá nhân, không kết luận chung chung là "lỗi tập thể" thì mới đủ sức răn đe đối với nhiều lãnh đạo DNNN còn đang chần chừ, chưa muốn CPH hoặc cố ý làm sai trong quá trình CPH" - ông Phong nói.
Nợ công 3 triệu tỉ đồng, vẫn tiếp tục vay
Báo cáo của Chính phủ về sử dụng vốn vay và quản lý nợ công năm 2017 và kế hoạch 2018 cho thấy có sự cải thiện đáng kể về nợ Chính phủ bảo lãnh. Theo đó, tính đến 31-12-2017, ước tính dư nợ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh vay trong nước là hơn 203.000 tỉ đồng, bằng 4,1% GDP. Trong khi đó, năm 2016, dư nợ bảo lãnh của Chính phủ còn ở mức 255.000 tỉ đồng, bằng 5,7% GDP.
Về nợ công, báo cáo của Chính phủ cho thấy tổng nợ công năm 2017 là hơn 3 triệu tỉ đồng và nằm trong giới hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, đáng lưu ý là năm 2018, Chính phủ dự kiến vay 341.000 tỉ đồng. Trong đó, bù đắp bội chi là 195.000 tỉ đồng, vay để trả nợ gốc hơn 146.000 tỉ đồng.
P.NHUNG
Đề xuất chất vấn về BOT
Ủy ban Thường vụ QH đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu QH về dự kiến nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV.
Theo đó, có 5 nhóm vấn đề được Ủy ban Thường vụ QH tổng hợp, đề xuất trình QH xem xét để lựa chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn chính thức. Đặc biệt nhóm vấn đề thứ nhất là giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn. Giải pháp xử lý triệt để những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Đáng chú ý, nhóm vấn đề thứ hai là công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; nhất là trong quản lý, sử dụng đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi giải phóng mặt bằng. Nhóm vấn đề thứ ba là chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập. Ở nhóm vấn đề thứ tư là thực trạng thị trường lao động ở nước ta; công tác quản lý xuất khẩu lao động. Vấn đề thứ năm là công tác quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị, nhất là công tác cấp phép xây dựng chung cư cao tầng tại nhiều khu trung tâm của các thành phố lớn.
Theo chương trình kỳ họp QH thứ 5, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 4 đến 6-6.
T.DŨNG
Bình luận (0)