xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mê đắm cồng chiêng

Bài và ảnh: Cao Nguyên

5 tuổi đã biết đánh cồng chiêng, 8 tuổi được giải Nghệ nhân trẻ xuất sắc, từng tham gia biểu diễn trong và ngoài nước..., Y Thu Êban đang ấp ủ dự định mở trung tâm truyền dạy âm nhạc các dân tộc Tây Nguyên cho lớp trẻ

Festival Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 với sự tham gia của 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum đang diễn ra tại Gia Lai (từ ngày 9 đến 11-11) với chủ đề "Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên". Dịp này, người được nhắc đến nhiều là Y Thu Êban - 18 tuổi; ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk - một trong những nghệ nhân trẻ nổi bật tại Tây Nguyên hiện nay.

Thành tích "chấn động"

Y Thu Êban vốn sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống âm nhạc. Anh là con trai út của nghệ nhân Y Thim Byă, người sưu tầm, chế tác các loại nhạc cụ dân tộc, trong đó có cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ngôi nhà dài của nghệ nhân Y Thim ở buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách, chủ yếu là người nước ngoài, khi đặt chân tới Đắk Lắk. Du khách tìm đến đây một phần vì sự cuốn hút của dàn chiêng và nhạc cụ dân tộc do những bạn trẻ biểu diễn.

Mê đắm cồng chiêng - Ảnh 1.

Y Thu Êban (thứ hai từ phải qua) cùng đội chiêng trẻ buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột đã nhiều lần tham gia biểu diễn trong và ngoài nước

Hôm chúng tôi đến, đôi vợ chồng người Anh đang được Y Thu giới thiệu, biểu diễn các nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên như cồng chiêng, đàn T’rưng, kèn đinh năm, đinh tút… Những ngón tay điêu luyện của Y Thu hòa vào các bản nhạc du dương khiến đôi vợ chồng người Anh không ngớt trầm trồ, khen ngợi.

Nhắc đến người con trai út, nghệ nhân Y Thim không giấu được sự tự hào. Ông cho biết năm Y Thu 5 tuổi, trong lúc đang dạy đánh cồng chiêng cho thanh niên trong buôn thì ông phát hiện con trai mình say sưa lắng nghe và hòa mình vào điệu chiêng. Sau vài tháng quan sát, ông không khỏi vui mừng khi thấy Y Thu ngày càng mê đắm những nhạc cụ cha ông để lại, nhất là cồng chiêng.

"Trong năm này, mình chính thức truyền dạy những ngón chiêng cho Y Thu. Lúc đó, Y Thu còn quá nhỏ, mình chỉ nghĩ bày cho nó những bài chiêng đơn giản. Tuy nhiên, Y Thu học rất nhanh, chỉ trong thời gian ngắn đã thành thạo nhiều bài chiêng rồi bắt đầu học các nhạc cụ khác" - ông Y Thim nhớ lại.

Năm 8 tuổi, Y Thu gây "chấn động" khi giành giải Nghệ nhân trẻ xuất sắc tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng dân ca, dân vũ và trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2008. Sau thành tích này, Y Thu cùng Đoàn Nghệ thuật Đắk Lắk ra thủ đô Hà Nội diễn tấu trong đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, rồi tham gia hàng loạt sự kiện văn hóa lớn trong nước và quốc tế.

Y Thu cho biết khi còn nhỏ, mỗi khi cha dạy đàn cho thanh niên buôn làng ở nhà sàn, anh thường ngồi bên cạnh để nghe rồi được cha truyền dạy. Sau khi thành thạo một số bài chiêng, Y Thu được biểu diễn với những nghệ nhân lớn tuổi.

"Được biểu diễn với các ông, các bác là niềm tự hào, vinh dự lớn lao của em. Chính điều đó đã thôi thúc em cố gắng học tập. Vì vậy, đến nay em đã thành thạo gần 10 loại nhạc cụ dân tộc" - Y Thu khoe.

Mơ ước làm thầy

Y Thu đã tốt nghiệp THPT và đang chuẩn bị các thủ tục đi nghĩa vụ quân sự. Chia sẻ về những dự định của mình trong tương lai, anh cho biết: "Trong thời gian đi nghĩa vụ quân sự, em sẽ xin học tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội nhằm trau dồi kiến thức. Mong muốn lớn nhất của em là sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ mở trung tâm để truyền dạy âm nhạc cồng chiêng cho các bạn nhỏ, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Tây Nguyên".

Để chuẩn bị hành trang cho những gì mình ấp ủ, mới đây, Y Thu tham gia khóa học nâng cao năng lực truyền dạy đánh chiêng. Theo Y Thu, dù biết chơi chiêng từ lúc còn nhỏ, có thể đánh được tất cả vị trí trong đội chiêng, từng tham gia biểu diễn ở nhiều hội thi, hội diễn trong nước và quốc tế nhưng anh lại không biết cách truyền dạy đánh chiêng. "Tham gia khóa học, em nhận ra rằng việc đánh chiêng thành thạo và dạy người khác đánh hoàn toàn khác nhau" - anh bày tỏ.

Y Thu cho biết khi truyền dạy, ngoài những kiến thức cơ bản nhất trong biểu diễn cồng chiêng - từ cách đeo chiêng đến kỹ thuật kê tay trong lòng chiêng, tiếp xúc giữa bàn tay và bề mặt chiêng sao cho tạo ra những âm thanh trầm bổng đặc trưng - thì còn phải làm sao để người học hiểu và thấm được điệu chiêng lẫn ý nghĩa của từng bài trong mỗi sự kiện khác nhau.

Y Thu kể: "Tham gia khóa học, em được mở rộng sự hiểu biết của mình về nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng. Ngoài việc được trao đổi các kỹ năng đánh cồng chiêng và chỉnh chiêng, em còn học được cách truyền dạy bài bản hơn cho lớp trẻ".

Tham gia giảng dạy trong khóa học nâng cao nêu trên, nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm - người truyền dạy năng lực đánh cồng chiêng ở Tây Nguyên - cho biết thực tế, nghệ nhân cồng chiêng trên địa bàn khá nhiều người nhưng có thể "làm thầy" lại rất ít. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Buôn Ma Thuột, TP có 36 nghệ nhân cồng chiêng nhưng khoảng 80% không biết cách truyền dạy.

"Người được xem là giỏi thì ngoài việc đánh được nhiều bài chiêng, đánh được nhiều vị trí trong dàn chiêng còn phải có kỹ năng truyền dạy. Để truyền dạy thành công, không chỉ đánh chiêng thành thạo, họ còn phải thấu hiểu được ý nghĩa, bản chất của từng bài chiêng" - nghệ nhân Y Hiu nhìn nhận.

Đánh giá riêng về Y Thu - "học trò cưng" của mình, nghệ nhân Y Hiu tâm đắc: "Dù là học viên trẻ tuổi trong khóa học nâng cao năng lực truyền dạy đánh chiêng nhưng cậu ấy tiếp thu rất nhanh, hoàn thành xuất sắc".

Không để lớp trẻ thờ ơ

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Để bảo tồn và phát huy các giá trị này, những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều chính sách, chủ trương, trong đó chú trọng việc truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Vào mỗi buổi chiều thứ bảy và chủ nhật, Nhà Văn hóa cộng đồng buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk lại vang lên những âm thanh quyến rũ của đội chiêng trẻ. Trò chuyện với chúng tôi, em Y Than Byă, năm nay 7 tuổi, hồ hởi: "Xem tivi, thấy nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng rất hay, em rất thích nên xin bố mẹ đi học. Em sẽ cố gắng học để đánh hay và biểu diễn cho mọi người xem".

7-nv2

Nhiều lớp học đánh chiêng được tổ chức ở Đắk Lắk

Ông Y Gõ Niê, ngụ buôn Kram, tâm sự trước nhịp sống của xã hội hiện đại, văn hóa truyền thống dần mai một, ông luôn trăn trở. Quyết không để lớp trẻ thờ ơ với văn hóa dân tộc, từ năm 1997, ông đã đến từng gia đình trong buôn vận động người dân cho con em đi học đánh chiêng. Dù điều kiện rất thiếu thốn nhưng ông đã vượt qua khó khăn, duy trì lớp dạy cồng chiêng hơn 20 năm nay.

Nhà Văn hóa cộng đồng buôn Pu Huê, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin cũng thường xuyên tổ chức các lớp học đánh chiêng cho lớp trẻ. Ông Y Nguyên Knul, nghệ nhân đánh chiêng ở Pu Huê, cho biết trước đây, buôn từng thành lập đội chiêng trẻ. Nhưng sau này, các thành viên lớn lên, lập gia đình, làm ăn xa... nên đội đã tan rã.

"Ngành văn hóa vừa mở lớp truyền dạy cồng chiêng. Thấy bọn trẻ mê đắm tiếng chiêng, hăng say luyện tập, mình rất mừng" - nghệ nhân Y Nguyên Knul bày tỏ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo