“Xuân, đói cái bụng!” - già Y Ơn Mlô, 75 tuổi, đội trưởng đội chiêng buôn Wiâo, huyện Krông Năng - Đắk Lắk, tay vỗ bụng, tay cầm khiên kêu lớn khi vừa xuất hiện trước phòng bà Nguyễn Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk, vào giữa trưa. Vượt 65 km từ Krông Năng về TP Buôn Ma Thuột, già Y Ơn Mlô và đội chiêng buôn Wiâo chuẩn bị tập dượt cho đợt biểu diễn giao lưu âm nhạc truyền thống VN - Thụy Điển ở Hà Nội.
Đội chiêng buôn Wiâo đang tập dượt
Hai bài “ưng cái bụng”
Đội chiêng buôn Wiâo thành lập năm 1987, gồm 8 người chơi cồng chiêng giỏi nhất buôn. Người cao tuổi nhất là già Y Brut Niê, 80 tuổi, những người còn lại cũng đã “thất thập cổ lai hy”. Hầu hết họ đều có thâm niên chơi chiêng 50-60 năm. Trẻ nhất là nghệ nhân Y Wơn Niê, 49 tuổi, chơi chiêng ngót 40 năm nay. Các già đều nhỏ thó, da sạm đen, tuy lưng hơi còng nhưng tay chân vẫn rất rắn rỏi.
Xét về tuổi tác và thâm niên chơi cồng chiêng, đội chiêng buôn Wiâo thuộc loại lão làng nhất Đắk Lắk. “Già nhất nhưng có chơi chiêng giỏi nhất không?” - tôi thắc mắc. Già Y Ơn Mlô cười to, xua tay: “Ai cũng sắp về với Giàng hết rồi nên cái tay các già không còn đủ nhanh và mạnh như đội chiêng buôn Kô Siêr. Buôn Wiâo số hai thôi”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Xuân cho biết đội chiêng buôn Wiâo có hai bài chiêng cổ độc đáo khiến ai nghe cũng phải “ưng cái bụng”. Đó là bài Mkăm Prôk và bài Múa chim Grứ (chim thần). Một điểm nữa khiến Wiâo trở thành đội chiêng được chọn tham gia hội diễn lần này là cách chơi cồng chiêng của đội vẫn còn rất “mộc” và nguyên thủy. Người nghe có thể cảm được hơi thở của núi rừng khi các già gõ những nhịp chiêng đầu tiên.
Theo nghệ nhân Y Wơn, Mkăm Prôk trong tiếng Ê Đê nôm na là tập hợp thanh niên nhảy múa như con sóc chạy nhảy trên cây. Già Y Ơn giải thích: “Mkăm Prôk được chơi trong lễ Pơ thi (bỏ mả), rước ghế Kpal... Mỗi lần chơi bài chiêng này cứ như nghe tiếng sấm sét, tiết tấu nhanh như gió thổi, thác chảy”. Cái hoang dã, phóng khoáng, hùng vĩ và bí ẩn của đại ngàn tuôn ra theo từng tiếng chiêng vang vọng, ầm ào, dồn dập của Mkăm Prôk. Ý nghĩa của bài chiêng này là tiễn đưa hồn người chết về với tổ tiên và mừng cho họ bắt đầu cuộc sống mới trong một thế giới khác nên tiết tấu chiêng khá nhanh, vui tươi. Mkăm Prôk còn được chơi trong những dịp lễ hội để chào đón niềm vui đến với người dân trong buôn. Còn bài Múa chim Grứ thường mở đầu cho lễ Pơ thi. Tiết tấu bài chiêng hơi chậm và buồn, động tác múa uyển chuyển, mềm mại với ý nghĩa mong linh hồn người chết bay lên nhẹ nhàng như cánh chim thần chao lượn.
Hai bài chiêng này các già đã chơi thành thạo từ thuở thanh niên. Từng nhịp chiêng đã ăn sâu vào máu thịt họ theo năm tháng, theo những lễ hội thâu đêm trong ánh lửa bập bùng của buôn làng. Bởi vậy mỗi lần tập, đạo diễn muốn dừng để chỉnh sửa phải hét thật lớn để các già “tỉnh”, vì mỗi lần nghe hiệu lệnh, họ cứ thế mà đánh, đánh say sưa theo bản năng, không ai nhìn ai mà nhịp chiêng vẫn rất “ăn”. “Đánh chiêng biểu diễn có khác một chút vì bị ràng buộc thời gian, các già vẫn chưa quen nên cứ đến chỗ bị sửa là quên” - già Y Ơn cười bảo.
Phải biết, phải thạo từ trẻ
Nhìn các già leo lên 3 tầng lầu của Trung tâm Văn hóa Đắk Lắk mới biết sức lực họ còn nhiều lắm. Không ai thở hắt ra, ngồi đấm chân đấm cẳng hay lau mồ hôi mệt nhọc như những người ở lứa tuổi này. Có già về đến phòng còn cao hứng lấy đinh năm ra thổi. Có lẽ những năm dài đi rừng, đi rẫy, băng suối, vượt núi đã luyện cho cái chân, cái tay các già cũng rắn chắc như cây rừng.
Đối với các già, đánh chiêng là một trong những thứ phải biết, phải thạo nên từ hồi trai trẻ, họ đều tự học bằng cách để ý nhìn và nghe ama (bố) chơi. Già Y Ơn kể: “Mình tập chơi chiêng từ năm 10 tuổi, lúc còn đi chăn con trâu, con bò. Ban đầu, mình chỉ đánh cing cram (chiêng tre), thành thạo rồi mới đánh chiêng đồng”. Mỗi khi nghe người lớn trong buôn đánh chiêng, cái tai Y Ơn lúc 10 tuổi nghiêng một bên, dỏng lên lắng nghe như nuốt từng âm thanh một. Bàn tay nhỏ sớm chai sạn của cậu say mê gõ theo mỗi lần tiếng chiêng vang vọng trên rừng, trên rẫy, vượt cả quả núi to.
Theo lời già Y Ơn, tài nghệ chơi cồng chiêng của các chàng trai cũng là thước đo sự mến mộ của những cô gái trong buôn. “Mình đi học làm thầy giáo, ít ở trong buôn, ít đánh chiêng nên ai mà để ý tới! Mãi đến năm 22 tuổi, con vợ mới cưới mình. Như Y Wơn thì con gái mê nhiều vì nó chơi chiêng giỏi, thổi đinh năm, đinh puốc đều hay, nghe sướng cái tai, ấm cái bụng lắm” - già Y Ơn tiết lộ.
Mấy năm nay, dù các thành viên đội chiêng buôn Wiâo đã lớn tuổi nhưng năm nào cũng đều đặn đi biểu diễn. Trong năm nay, đội chiêng buôn Wiâo đã đi biểu diễn hai lần ở Hà Nội và một lần ở Quảng
Để cái chiêng nằm buồn góc nhà
|
Kỳ tới: Bí quyết chỉnh chiêng
Bình luận (0)