Hoạt động mở đầu năm mới của người đứng đầu ngành NN-PTNT thu hút sự quan tâm, được kỳ vọng hiện thực hóa ý tưởng biến vùng này trở thành một thực thể chung năng động, sống động và phối hợp hành động hiệu quả.
Năm qua, trước tác động của đại dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ, biến động của thị trường trong và ngoài nước, nhưng ĐBSCL càng thể hiện rõ vai trò của vùng nông nghiệp trọng điểm quốc gia. Bức tranh nông nghiệp, nông thôn vẫn nổi lên các mảng sáng đáng quan tâm. Nhiều nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp đã nỗ lực vượt khó, đưa nông sản ĐBSCL tham gia tích cực vào sân chơi nội địa và xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (bìa phải) thăm các mô hình nông nghiệp tại ĐBSCL - Ảnh: NGỌC TRINH
Một số kỷ lục mới được tạo ra, trong đó nổi lên vai trò của vùng ĐBSCL. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 48,6 tỉ USD, vượt xa mục tiêu 42 tỉ USD mà Chính phủ đề ra. Trong 10 nông sản cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, 4 mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỉ USD, có nhiều nông sản từ ĐBSCL như thủy sản đạt hơn 9 tỉ USD, riêng con tôm đạt hơn 3,85 tỉ USD, chiếm 45% giá trị toàn ngành thủy sản; xuất khẩu gạo hơn 3,66 tỉ USD, rau quả hơn 3,5 tỉ USD.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu ra 3 slogan cho ngành "Tư duy mở - Open mind", "Hành động nhanh - Fast action", "Kết quả thật - Real result" để hiện thực hóa tư duy "kinh tế nông nghiệp" thay cho "sản xuất nông nghiệp" chủ yếu lâu nay. Đó không chỉ là ý tưởng, quyết tâm của bộ trưởng mà đang được lan tỏa xuống địa phương, đặc biệt là thể hiện trong suy nghĩ, hành động của nhiều nông dân, hợp tác xã.
Tất nhiên, vẫn còn bộn bề nỗi lo cho tam nông nhưng cách nghĩ, cách làm của nhiều người nay đã khác. Kinh tế nông nghiệp đang hiển hiện trong đời sống nông dân và sinh hoạt, làm ăn ở nông thôn. Ăn Tết năm nay, nhiều nông dân miền Tây hỏi thăm nhau, không còn là những câu hỏi trúng hay thất mùa, được bao nhiêu tấn lúa, trái cây, tôm, cá mà là những câu hỏi về thu nhập, lợi nhuận, thị trường đang hút hàng nào, bán nông sản qua mạng nhiều hay ít. Điện thoại cầm tay của nông dân không chỉ để gọi - nghe mà còn là công cụ kích hoạt máy tưới, máy bơm cho ruộng lúa, công rẫy, mảnh vườn, vuông tôm, là kênh bán hàng điện tử.
Từ dấu chân lấm bùn của nông nghiệp truyền thống, đông đảo nông dân đã chuyển sang chú trọng giá trị, thị trường và ứng dụng công nghệ số. Chuyển đổi số không còn là giải pháp lựa chọn mà đã trở thành mệnh lệnh phát triển. Đã có hơn 2 triệu hộ nông dân được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng ngàn giao dịch điện tử đã được thực hiện, cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp.
Việc mở đầu năm mới 2022 của người đứng đầu ngành NN- PTNT có ý nghĩa quan trọng với kỳ vọng tăng tốc mạnh mẽ, vận hành suôn sẻ và thành công các kịch bản phục hồi kinh tế. Tư duy, hành động và kết quả kỳ vọng không chỉ có ý nghĩa ngắn hạn trong năm mà còn khơi gợi cho kết quả thật trong dài hạn.
Bình luận (0)