Trưa 6-6, mặc cho thời tiết Hà Nội oi ả, chị Khuất Thị Hải Oanh cùng các cộng sự trong nhóm "Mỗi ngày một quả trứng", khuân từng thùng quà lên xe gửi đến các công nhân đang bị cách ly ở Bắc Ninh...
Những món quà ý nghĩa
"Với 1.000 ca nhiễm, rất nhiều công nhân Bắc Ninh trở thành F1 hoặc F2. Các trường hợp F1 đi cách ly tập trung được nhà nước lo việc ăn uống, sinh hoạt, còn những F2 cách ly tại nhà không được hưởng chế độ ấy. Họ và hàng ngàn công nhân các khu công nghiệp được yêu cầu không được ra khỏi phòng trọ. Phần đông trong số này là người từ nơi khác đến, không có gia đình để trông cậy, cũng không có tiền dự trữ. Những lời cầu cứu được phát ra, nghe thật xót xa" - bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, người sáng lập nhóm thiện nguyện "Mỗi ngày một quả trứng", chia sẻ.
Ngay lập tức, ý tưởng "cùng công nhân vượt qua Covid-19", cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu cho công nhân ở Bắc Ninh được hình thành. Nhóm đặt ra mục tiêu mang các suất quà cho 500 công nhân, tiếp sức trong 2-3 tuần. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", mỗi gói quà trị giá khoảng 335.000 đồng, bao gồm đậu phộng, mè, dầu ăn, muối, mắm, bột canh, trứng, xà phòng sát khuẩn... Ngày 5-6 phát động, ngày 6-6, các tình nguyện viên đã gửi những món quà ý nghĩa đến tâm dịch Bắc Ninh.
Các tình nguyện viên nhóm thiện nguyện “Mỗi ngày một quả trứng” chuyển quà đến tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh do bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh cung cấp)
"Hỗ trợ người khó khăn" có lẽ là mệnh lệnh từ trái tim của bác sĩ Hải Oanh và các cộng sự trong dự án thiện nguyện "Mỗi ngày một quả trứng". Ban đầu, dự án hỗ trợ dinh dưỡng trong bữa ăn của các cháu bé ở xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, quỹ mở rộng giúp đỡ người vô gia cư, những người nghèo, người lang thang, người bán vé số, khuyết tật và nay hỗ trợ trang thiết bị y tế cho các bệnh viện trong tâm dịch, công nhân gặp khó khăn. Dự án phát động những chiến dịch có tên gọi rất đáng yêu như "Siêu nhân cần áo choàng, bác sĩ cần bảo hộ"; "1.000 chiếc giường chống dịch"…
"Khi đợt dịch thứ tư bùng phát, chúng tôi rất sốt ruột, muốn làm gì đó hỗ trợ cộng đồng để giảm thiểu thiệt hại. Chúng tôi đã hỏi các bệnh viện xem họ cần gì nhất để sự hỗ trợ của mình có ý nghĩa" - bác sĩ Hải Oanh tâm sự.
Lời kêu gọi của nữ bác sĩ từng được Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 ngay lập tức được nhiều người hưởng ứng, chung tay. Với sự hỗ trợ của PGS Phan Trung Nghĩa, Viện Hóa học - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cùng các đồng nghiệp, 20 bộ mặt nạ lọc khí áp lực dương đã được gửi đến các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…
1.000 chiếc giường chống dịch
Cũng trong lần cộng tác này, PGS Phan Trung Nghĩa gợi ý về ý tưởng những chiếc giường carton trong bệnh viện. Những chiếc giường này đã được các bệnh viện ở Thái Lan, Hàn Quốc sử dụng, không thấm nước, cách nhiệt, rất mát, dùng xong có thể đốt, không phải khử trùng.
Bác sĩ Hải Oanh bộc bạch: "Chúng tôi đã tìm hiểu và thấy trong các khu cách ly rất thiếu thốn, đặc biệt là các vùng tâm dịch và miền núi. Tôi đã trao đổi với lãnh đạo một số Sở Y tế, xem họ có nhu cầu hay không và câu trả lời là có. Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang mong mỏi có thêm giường cho bệnh viện dã chiến. Một số tỉnh khác cũng có thể cần giường nếu dịch lan rộng hơn. Giường carton có lẽ là giải pháp hợp lý cho nhiều nơi còn thiếu thốn" - chị Hải Oanh nói.
PGS Phan Trung Nghĩa nghiên cứu về hóa học, ông cũng tìm hiểu các sản phẩm giấy và thiết kế giường bằng bìa carton 3 chân, dài 200cm, rộng 90cm, cao 60cm theo tiêu chuẩn giường y tế, chịu được trọng lực đến 150-200kg, thời gian sử dụng có thể đến 6 tháng. Những chiếc giường này được PGS Phan Trung Nghĩa thay đổi thiết kế của Thái Lan, Ấn Độ ban đầu sang kiểu giường của Nhật để dễ lắp đặt và chắc chắn hơn. Giường được tạo thành từ 12 hộp carton có vách tăng cứng với tấm ván ở trên tạo độ phẳng tuyệt đối và tấm quây đầu giường. Tấm vách ngăn đầu giường được đánh giá rất cao vì hạn chế nguy cơ lây nhiễm giữa những người ở trong cùng một phòng. 1.000 chiếc giường carton ngay lập tức đã được sản xuất để cung cấp cho các bệnh viện dã chiến.
Bác sĩ Hải Oanh cho biết chị may mắn nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều người, điển hình là Giám đốc Công ty In và Bao bì Goldsun. Với "Mỗi ngày một quả trứng", người dân đóng góp chi phí vận chuyển chương trình "1.000 chiếc giường chống dịch", còn Goldsun đóng góp toàn bộ các chi phí sản xuất (trị giá 165.000 đồng/giường) và các chi phí khác.
Hơn cả mong đợi, rất nhiều người đã chuyển tiền về quỹ. Có người đóng góp 1-2 giường, có người 10-20 giường, thậm chí cả trăm giường. Có giảng viên ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đóng góp 108 giường vì "con số 108 rất có ý nghĩa".
Với tốc độ đóng góp "thần kỳ", chỉ trong vòng một tuần, 1.000 chiếc giường đã hoàn thành và gửi đến Bắc Ninh, Điện Biên trong ngày 5-6. "22 giờ đêm 5-6, 2 chuyến xe đầu tiên đã xuống hàng ở Bắc Ninh. Các anh bộ đội ở Bộ Chỉ huy Quân sự TP Bắc Ninh đã không quản ngại ngày dài mệt mỏi, bốc dỡ hàng xuống để sẵn sàng sử dụng" - bác sĩ Hải Oanh xúc động.
Sau 1.000 chiếc giường đầu tiên, "Mỗi ngày một quả trứng" dự kiến sẽ sản xuất thêm để cung cấp cho các khu cách ly còn đang thiếu thốn. Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh thổ lộ: "Trong lúc khó khăn mới thấy trân quý tấm lòng thơm thảo của người dân dành cho các bác sĩ nơi tuyến đầu, cho người gặp khó khăn. Không ai bị bỏ lại phía sau và chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh".
"Chợ 0 đồng" trong khu cách ly ở TP HCM
"Chợ 0 đồng" dành cho những khách hàng là người đang cách ly trong khu vực bị phong tỏa ở hẻm 17 Gò Dầu, phường Tân Quý, TP HCM đã hoạt động sôi nổi vài ngày qua. Tại chợ này, tất cả hàng hóa được bán với giá 0 đồng.
Chợ đặc biệt này có tên đầy đủ là "Gian hàng 0 đồng sẻ chia cùng khu cách ly". Đây là hoạt động do UBND phường Tân Quý phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức nhằm tiếp sức cho bà con yên tâm cách ly.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch UBND phường Tân Quý, cho biết mô hình "Gian hàng 0 đồng chia sẻ cùng khu cách ly" nhận được sự đồng hành của các nhà hảo tâm gần xa.
Mỗi ngày, "Chợ 0 đồng" phục vụ hơn 300 người đang sống trong khu cách ly. Thực đơn mỗi ngày luân phiên với đầy đủ các loại rau củ quả và thịt, trứng, gạo, nhu yếu phẩm. Trung bình mỗi ngày, gian hàng "bán" được hơn 100 kg rau củ quả các loại, khoảng 500 quả trứng, 100 kg thịt heo, gạo và các nhu yếu phẩm khác.
Từ sáng sớm mỗi ngày, các tình nguyện viên đã tất bật đi chợ, mua rau củ quả, thịt, trứng để "bán" lại cho những khách hàng đang thực hiện cách ly tại hẻm 17 Gò Dầu.
"Với tinh thần không để bất kỳ ai cảm thấy cô đơn trong mùa dịch này, địa phương đã phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể chăm lo, vận động, thăm hỏi sức khỏe của người dân. "Gian hàng 0 đồng" chính là cầu nối cho sự yêu thương, chia sẻ khó khăn của người dân phường Tân Quý đối với 73 hộ dân đang thực hiện cách ly" - ông Huy bày tỏ.
Huế Xuân
Bình luận (0)