Tùy vào địa điểm buôn bán và quãng đường phải đi mà những người phụ nữ Phú Chiêm có những hình thức di chuyển khác nhau. Có người chỉ phải gánh quẩy ra gốc đa đầu làng, có người lại chất đủ thứ đồ lên chiếc xe đạp, xe máy cũ để di chuyển một quãng đường xa hơn và cũng có người phải đi xe đò, xe khách vì "những gánh mì liên tỉnh".
Hiện nay, trong làng có khoảng trên dưới 300 gánh mì Phú Chiêm. Trong đó, chỉ tính riêng khu vực nội thành thành phố Đà Nẵng đã có hơn 60 gánh mì. Hàng ngày, họ cùng nhau tập trung tại một điểm bên quốc lộ 1A để đợi xe đò đến đón, rồi tỏa đi khắp thành phố.
Bà Nguyễn Thị Châu hay còn được người dân trong làng gọi là bà Sáu, năm nay đã 75 tuổi và là người cao tuổi nhất làng còn gắn bó với gánh mì Quảng Phú Chiêm. Bà chia sẻ, ngày xưa bà cũng mang mì ra phố để bán nhưng bây giờ tuổi cao, sức khỏe giảm sút nên bà chỉ bán quanh quẩn ở trong làng. Gần 55 năm thức khuya dậy sớm, gánh mì Quảng Phú Chiêm ấy là nguồn sống, là niềm vui và cũng là niềm tự hào của gia đình bà.
Nghề nấu mì Phú Chiêm gần như đã nuôi sống người dân nơi đây, là nguồn thu nhập chính của cả người làm ra sợi mì và những người bán mì. Chẳng phải hàng quán cao sang, chỉ dăm ba cái bộ bàn ghế nhựa trên một cái vỉa hè lại chính là nơi lưu giữ cái hồn của người dân xứ Quảng.
Tô mì Quảng Phú Chiêm với con tôm, quả trứng và đôi ba miếng thịt ấy là món quà của tự nhiên, chứa đựng sự tinh túy của cả một vùng quê xứ Quảng, khiến cho bất cứ ai đến với Quảng Nam đều phải thưởng thức và say đắm món ăn đặc sản này.
Bình luận (0)