Cứ đến mùa mưa lũ, các con sông ở khu vực miền Trung như sông Gianh, sông Hương, sông Vu Gia... lại sạt lở nghiêm trọng làm người dân luôn bất an.
Nỗi lo sông "nuốt" mất nhà
Dọc sông Gianh (tỉnh Quảng Bình), từ khu vực thượng nguồn về đến vùng hạ lưu xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, khiến người dân rất hoang mang. Sau trận lũ lớn đầu tháng 9-2019, cứ thấy mưa to là gia đình ông Mai Tân, ở xã Đức Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) lại nơm nớp lo sợ. Lũ rút, cuốn theo gần trăm mét đất bờ, ngôi nhà của ông cùng nhiều hộ dân khác cùng thôn nằm chênh vênh ngay mép sông Gianh. Ngoài nhà ông Tân, nơi này còn 7 hộ khác cũng đang đối mặt với nguy cơ này.
Nhiều nhà dân ở xã Đức Hóa sắp bị sông Gianh “nuốt” chửng Ảnh: HOÀNG PHÚC
Tại huyện Bố Trạch, hàng ngàn hộ dân cũng đang nằm trong khu vực có nguy cơ cao về sạt lở. Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch, cho biết toàn huyện có 5 điểm sạt lở lớn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Còn ở xã miền núi Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa chỉ tính trong 3 năm trở lại đây, sạt lở đã "nuốt" trọn gần 5 ha đất sản xuất hoa màu.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết hiện nay địa phương đang có hơn 60 km bờ sông bị sạt lở nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 1.000 hộ dân, làm mất hơn 60 ha đất cach tác. Trong đó có khoảng 25 km sạt lở rất nguy hiểm, cần 350 tỉ đồng để xây kè cấp bách và địa phương đang triển khai thi công một số điểm.
Trong khi đó, khoảng 6 năm qua, hàng chục gia đình ở xóm 7 Cầu Gành, thuộc khu vực Huỳnh Kim (phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) cũng lo sợ bởi đoạn bờ sông Cầu Gành nơi họ sinh sống bị sạt lở nặng. Gần 1 km bờ sông đã trôi theo dòng nước. Vị trí sạt lở hiện đã vào tận móng nhà của hơn 20 hộ dân.
Tại tỉnh Quảng Ngãi hiện có hàng chục điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, triền núi... Chỉ tính riêng sạt lở bờ biển, hiện toàn tỉnh có 21 điểm thường xuyên sạt lở, trong đó có 5 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Tốc độ sạt lở trung bình khoảng 5 m/năm. Riêng một số điểm như: thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi); thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị (huyện Bình Sơn)... có tốc độ sạt lở từ 10-15 m/năm. Ngoài tình trạng sạt lở bờ biển, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn có trên 150 điểm sạt lở bờ sông, sạt lở núi.
Tại tỉnh Quảng Trị có gần 120 km bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 2.300 hộ dân, trong đó gần 600 hộ sống trong vùng đặc biệt nguy hiểm khi cách mép sạt lở dưới 20 m.
Chờ kinh phí từ trung ương
Theo nhiều người dân, ngoài lũ lụt thì tình trạng khai thác cát tràn lan trên các hệ thống sông ở Quảng Bình cũng là một trong những lý do làm gia tăng mức độ sạt lở như hiện nay, đặc biệt là trên sông Gianh, tại các điểm "nóng" như Cảnh Hóa, Phong Hóa, Đức Hóa…
Theo ông Nguyễn Thành Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình, hằng năm tỉnh ưu tiên bố trí các nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp những tuyến đê, kè bị hư hại nặng. Những điểm sạt lở chưa có kè đều được gia cố bằng đất, đá nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Khó khăn lớn nhất là kinh phí hằng năm đều thấp hơn so với kế hoạch xây dựng. Chỉ tính riêng 19 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, phải xử lý cấp bách, tổng số tiền đã hơn 400 tỉ đồng.
Ông Đặng Vĩnh Sơn, Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, cho biết cái khó là vấn đề kinh phí di dời, giải tỏa, hỗ trợ cho người dân vùng sạt lở quá lớn. Vấn đề này, thị xã cũng đã báo cáo các sở, ngành liên quan và UBND tỉnh xem xét, đưa ra hướng giải quyết để bảo đảm cuộc sống cho người dân trước mùa mưa bão.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, thông tin trước tình hình sạt lở, tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương làm các biển cảnh báo, khắc phục các điều kiện tại chỗ để người dân an tâm sản xuất, ổn định đời sống. Đồng thời, tỉnh này cũng đã kiến nghị trung ương hỗ trợ ngân sách để khắc phục, gia cố bờ kè ở những vùng sạt lở nguy hiểm, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Theo tính toán, trong giai đoạn từ năm 2019-2030, tỉnh Quảng Trị cần 990 tỉ đồng để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, trong đó, từ năm 2019-2020 cần 273 tỉ đồng để xử lý khẩn cấp các vị trí đặc biệt nguy hiểm.
Phải di dời dân
Đặc biệt, tại tỉnh Quảng Nam, hiện có hơn 1.200 hộ với hơn 4.600 nhân khẩu nằm trong nguy cơ sạt lở ven sông, ven núi. Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương sẵn sàng lên phương án di dời dân đến nơi an toàn. Tỉnh Quảng Nam cũng đã lên 9 danh mục đề nghị trung ương hỗ trợ kinh phí khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển cũng như phương án di dời dân.
Bình luận (0)