Làng tôi có lệ cứ giáp Tết, sau khi đưa ông Táo về trời, các vị cao niên lại tổ chức cúng miếu ông cọp.
Miếu ông cọp được xây bằng vôi và gạch ở khoảnh đất bìa làng giáp rừng, xung quanh trồng một lũy tre đá ken dày phủ bóng xuống sân đá. Trước cửa miếu có một tấm bia đá lớn tạc bức tượng cọp dữ tợn, giương nanh múa vuốt, quay mặt vào làng. Người dân vào rừng luôn cúi chào ông cọp khi đi ngang miếu.
Miếu ông cọp rất phổ biến ở nhiều vùng quêẢnh: HỒNG ÁNH
Những tối mùa hè, sau cơn mưa chiều, lũ học trò nghèo chúng tôi len lén tụ tập kéo vào bìa rừng để xem "ma trơi". Hơi đất bay lên, lân tinh bốc cháy thành ánh lửa xanh chập chờn trôi theo gió vào cánh đồng. Hồi hộp nhưng thích thú, chúng tôi đứng sát nhau nắm tay thi gan. Đến lúc ánh lửa đến gần, cả đám mới té chạy thục mạng vào miếu ông cọp.
Ông từ coi miếu luôn vui vẻ với lũ trẻ và hay kể chuyện xưa của làng. Ông lão cho biết ngày xưa, lễ cúng miếu ông cọp rất trọng thể. Chính lễ cử hành vào 16 giờ, quy tụ hầu như tất cả trai tráng. Lễ vật là một đầu heo đen. Sau khi tế ở bia ông cọp, con heo - phải đủ 100 kg - được giết thịt trong sân miếu.
"Trời vừa tối, làng khai hội đấu vật. Gần giữa đêm, đấu vật kết thúc, chọn ra 3 người đứng đầu thi thương thuật - kỹ thuật là thương nhưng vũ khí là giáo. Đây là vũ khí của thợ săn, vốn là nghề chính của trai làng thuở ấy" - ông từ kể.
Bãi thi là sân miếu bên lũy tre, có hàng đuốc 12 cây dựng quanh. Người nào múa giáo quạt tắt toàn bộ đuốc và vận lực đâm xuyên 3 thân tre đực sẽ đoạt giải. Đây là dịp trai làng cạnh tranh bởi ngoài việc được vinh danh thì người đoạt giải còn nghiễm nhiên sẽ dẫn dắt phường săn của làng.
Hầu như chưa năm nào người đoạt giải thoát khỏi tay dòng họ Lê. Điều này cũng không lạ bởi họ Lê đã 3 đời dạy thương thuật cho trai làng và luôn có người đứng đầu phường săn. Năm ấy, Lê Nhạn - dân làng quen gọi là Tám Nhạn, con trai thứ 8 của nhà họ Lê - đoạt giải. Anh trở thành chủ phường săn trẻ nhất của làng khi mới 20 tuổi.
Quê tôi ở Bình Thuận được bao bọc bởi bạt ngàn rừng núi. Ông từ cho biết trước đây, đồng ruộng ít nên dân làng chủ yếu làm rẫy, săn thú. Khi ấy, phường săn rất quan trọng, vừa ngăn thú rừng tàn phá mùa màng vừa kiếm thịt. Rừng phủ kín, muông thú sinh sôi, nhiều nhất là heo. Sống gần làng, heo rừng ngày càng táo tợn, thường kéo đến phá nát hoa màu.
Thấy dân làng khốn đốn, Tám Nhạn liền lên kế hoạch tiêu diệt heo rừng. Anh dẫn phường săn vào sát chân núi nổi lửa. Chẳng mấy chốc, lửa bao vây. Muông thú hoảng loạn tháo chạy vào hẻm núi, nơi có một con suối mà phường săn của Tám Nhạn đã rải đầy cỏ khô. Lửa âm ỉ cháy 4 ngày mới tắt. Tám Nhạn dẫn phường săn vào hẻm núi, đắc ý nhìn lớp lớp thú rừng co quắp dưới đống tro tàn.
Tám Nhạn khệnh khạng về nhà nhưng không ngờ mẹ anh, bà Cả Thiết, quắc mắt hét lớn: "Đồ ngu!". Ít ai biết một thân võ nghệ của Tám Nhạn là do mẹ truyền dạy từ nhỏ vì cha anh đã mất tích trong một lần săn cọp. Bà chính là con gái vị chưởng môn sư phụ của ông Cả Thiết và là sư tỉ của chồng.
Mấy năm sau, không bị heo rừng quấy phá, mùa màng của dân làng bội thu. Ít thú rừng, phường săn cũng ảm đạm, lễ tế miếu ông cọp lơ là dần. Vui chẳng mấy chốc, nỗi lo đã ập đến. Gia súc của làng liên tiếp bị giết hại. Có người thấy thấp thoáng trong đêm bóng một con cọp trắng to lớn lảng vảng ở bìa làng.
Bà Cả Thiết nhìn con trai, thở dài: "Chuyện gì đến rồi cũng đến. Con đã tuyệt đường sống của thú rừng và chúa sơn lâm đã vào làng trả đũa". Tám Nhạn không nói gì, mang cây giáo ra sau nhà mài lên thềm đá.
Đêm ấy, Tám Nhạn tụ tập phường săn ở miếu ông cọp. Ở nhà, bà Cả Thiết đang trằn trọc thì nghe tiếng trâu giậm chân, cọ sừng. Vớ cây đèn mù u và rút thanh gỗ bước ra sau nhà, bà sững người khi thấy một con cọp trắng to lớn đang phục bên chuồng trâu. Thoáng thấy ánh đèn, cọp giật mình xoay thân. Bà Cả Thiết ném thẳng cây đèn vào trán nó rồi lao tới vung thanh gỗ vụt liên tục. Lửa bùng lên đầu cọp, nó gầm thét vùng vẫy làm sập cây cột mái hiên đổ ập lên người bà. Cọp mang chiếc đầu cháy đen lao vào rừng.
Nửa đêm, Tám Nhạn trở về nhà, hoảng hốt thấy mẹ nằm hấp hối bên mái hiên. Trăng trối với con trai, bà dặn dò anh không nên trả thù rồi khép mắt.
Hôm sau, Tám Nhạn lầm lũi vác giáo vào rừng. Con cọp trắng đang nằm thở dốc bên bờ suối trong hẻm núi. Cuộc chiến diễn ra khốc liệt và cả hai dần kiệt sức. Đòn quyết định, Tám Nhạn liều lĩnh dấn sát, dồn sức phóng mũi giáo vào cổ cọp. Nó dính đòn nhưng vẫn lao tới, vung cú tát cuối cùng để lại 5 vết móng sâu hoắm trên vai anh.
Tám Nhạn nằm lấy lại sức, lòng trĩu nặng. Nhìn sang xác cọp trắng, anh ngạc nhiên thấy một chú cọp con đang gối đầu lên xác mẹ. Nâng ngọn giáo lên tính kết liễu cọp con để trừ hậu họa nhưng Tám Nhạn lắc đầu buông xuống, trở về làng.
Vắng bóng chúa sơn lâm, lũ heo rừng sinh sôi như cỏ, lũ khỉ cũng từ đâu kéo về, cùng nhau tàn phá khoai sắn, hoa màu của dân làng. Năm ấy ruộng lúa lại thất bát. Cả làng xác xơ tản đi khắp nơi tìm kế mưu sinh, chỉ còn vài chục nóc nhà có người.
Gần chục năm sau, vào những đêm trăng, dân làng thường thấy bóng một con cọp trắng lững thững quanh miếu. Từ đó, gia súc trong làng không còn bị giết hại. Có lẽ lũ thú rừng biết rằng chúa sơn lâm đã tái xuất nên không dám vào làng. Người dân bảo nhau về lại làng cũ, gầy dựng lại ruộng vườn. Tám Nhạn cũng giải tán phường săn.
… Năm ấy, tôi đậu đại học. Đêm trước ngày vào TP HCM, tôi ghé lại miếu ông cọp thăm ông từ. Ông lão vẫn cười hiền, ngồi nướng khoai uống rượu rồi trầm ngâm: "Lập miếu ông cọp này không phải dân làng sợ mà là để cảm tạ".
Ông lão gỡ cây giáo trên xà nhà xuống, bước ra sân, cởi áo cột thành đai lưng. Không còn vẻ già nua nữa, ông vung giáo loang loáng dưới ánh trăng. Trên vai ông, tôi thấy hằn rõ 5 vết sẹo sâu hoắm...
Bình luận (0)