Một hành tinh hơn 7,5 tỉ người với một nền khoa học - kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại 4.0 với khát khao chinh phục những miền xa của vũ trụ vĩ đại; Một thế giới đã được cải biến, phát triển tột bậc so với thủa hồng hoang… Tất cả đều mạnh mẽ, vững vàng, tốt đẹp nhất cho đến khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Thế giới trở nên phân rã, bất định, bi thương trước con virus vô cùng bé nhỏ. Trong những tháng đầu khi dịch bùng phát, nhiều quốc gia giàu có, hùng mạnh lập tức "đóng cửa", dự trữ vắc-xin để bảo đảm cho công dân của họ, bất chấp phần lớn nhân loại đang phải trơ mình trước đại dịch. "Không ai an toàn nếu thế giới chưa an toàn" - lãnh đạo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo. Hàng loạt biến chủng mới ra đời khiến thế giới thay đổi cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề. Ở góc độ nào đó, con virus tinh quái này đã khiến loài người thay đổi cả trong nhận thức và hành động!
Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển có độ bao phủ vắc-xin hết sức ấn tượng. Tính đến ngày 1-1-2022, tổng số liều vắc-xin về đến Việt Nam là hơn 183,1 triệu liều; cả nước có 77,6 triệu người đã được tiêm mũi 1 và 68,8 triệu người đã được tiêm mũi 2. Riêng tại TP HCM - một trong những tâm dịch trong suốt 150 ngày vừa qua, có tới 8,1 triệu người đã tiêm mũi 1 và 7,1 triệu người đã tiêm mũi 2; đang tiếp tục triển khai mũi 3. Với một quốc gia có gần 100 triệu dân, kinh tế còn nhiều khó khăn như Việt Nam, đó là một thành quả rất đáng tự hào!
Nhớ lại những ngày đầu bùng phát đợt dịch thứ 4 tại TP HCM và các tỉnh phía Nam với tình trạng khan hiếm vắc-xin để thấy những nỗ lực tìm kiếm vắc-xin là đáng trân trọng biết bao. Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã tận dụng mọi cơ hội, đôi khi cũng phải "nhún nhường" trước lãnh đạo một số quốc gia, đối tác để tìm kiếm nguồn vắc-xin cho người dân. Còn nhớ, trước một chuyến công du quan trọng, một vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước điện thoại cho chúng tôi khẳng định: "Lần này quyết tâm mang vắc-xin về cho đất nước, sẽ có chuyên gia sang giúp, giá cả tính sau…".
Năm 2022 đã bắt đầu với nhiều ước vọng nhưng cũng trĩu nặng bao nỗi âu lo. Đại dịch vẫn còn lan tràn, các biến chủng mới vẫn chưa dừng lại; Omicron mặc dù lây lan nhanh nhưng độc lực không quá mạnh liệu có thể là sự "ru ngủ" nhân loại, hay sẽ có sự kết hợp mới để cho ra những biến thể mới? Thế giới liệu có bình yên hay sẽ tiếp tục những tháng ngày đóng - mở, lock-down, chọc mũi, test nhanh, PCR… Không ai có thể trả lời một cách chắc chắn. Nhưng càng ngày chúng ta càng cảm nhận được sự "khôn ngoan" của con virus này. Điều đó cho thấy, thế giới trong tương lai gần khó có thể tìm được sự bình yên!
Thế giới càng biến động, nội tâm con người càng nên ổn định. Phải chăng, đã đến lúc con người nên nhìn sâu hơn vào bản ngã, tìm về với bản thể - để hiểu hơn, yêu hơn cuộc sống của bản thân, gia đình, cộng đồng và rộng hơn là Tổ quốc, nhân loại. Những lời nhắn "cố lên", "mạnh mẽ hơn nhé", "sẽ ổn", "thương", "yêu"… hay những bó rau, túi gạo, chai nước mắm… trở nên quý giá biết bao khi sự sống mong manh. Con người ở giữa lằn ranh cái chết và sự sống thường sáng suốt và có xu hướng trở về với bản ngã.
Tình người, tình thương, tình yêu… là năng lượng vô giá giúp cho chúng ta đứng vững trong đại dịch. Những chiến sĩ tuyến đầu mang balô trên vai, chia tay gia đình với lời hẹn: "Chưa hết dịch chưa về"; những y - bác sĩ ngày đêm chăm sóc bệnh nhân và nhiều người đã ngã xuống… Trí tuệ, công nghệ hiện đại là những điều kiện cần cho loài người phát triển, vươn tới chinh phục những không gian mênh mông trong vũ trụ. Nhưng tình cảm mới là điều kiện đủ, là chất keo gắn kết mọi người, tạo nên sự chia sẻ mạnh mẽ trong cộng đồng.
Ngay khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Báo Người Lao Động đã phát động chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay (5-5-2021) và chương trình "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch" (2-6-2021). Chỉ trong một thời gian ngắn, các chương trình này đã thu hút được sự quan tâm, hỗ trợ của đông đảo người dân khắp mọi miền Tổ quốc và kiều bào ta ở nước ngoài. Không chỉ đóng góp tiền mặt, hàng trăm tấn rau - củ - quả, gạo, mì ăn liền… cũng đã được gửi đến. Ngay trong những ngày dịch bệnh căng thẳng, Báo Người Lao Động đã tổ chức hơn 100 chuyến công tác đến với các bệnh viện, trung tâm y tế, khu cách ly. Chương trình "Tình thương cho em" phát động ngày 16-9-2021 ngay sau khi có thông tin về hơn 1.500 cháu tại TP HCM mồ côi do Covid-19. Đến nay, chương trình đã thăm, tặng quà (5 triệu đồng/cháu) cho hơn 200 cháu và tiếp tục chăm lo các cháu trong và sau Tết Nhâm Dần 2022.
Nhiều cơ quan báo/đài cũng đã vào cuộc mạnh mẽ, tiêu biểu như: Đài Truyền hình TP HCM (HTV) đã tổ chức chương trình vận động cộng đồng đóng góp quỹ vắc-xin; Báo Sài Gòn Giải Phóng thực hiện chương trình Chuyến xe nghĩa tình, hỗ trợ sản phụ vượt cạn…
Trong gian khó, tinh thần, ý chí của người dân nước Việt càng tỏa sáng; tình cảm của người Việt trong và ngoài nước càng thêm đậm đà, son sắt. Giữa lằn ranh sinh tử, lòng yêu nước như suối nguồn chảy mãi, thiêng liêng và cao quý. Tổ quốc trong tim mỗi người con nước Việt!
Năm 2021 với nhiều mất mát, đau thương đã lùi lại, trở thành quá khứ - để chúng ta soi rọi cho con đường tiến về phía trước. Dù thế nào đi chăng nữa, cuộc sống vẫn tiếp diễn, con người vẫn phải ăn, uống, hít thở, vận động. Và quan trọng không kém, đó là đời sống văn hóa, tinh thần vẫn phải được gìn giữ, phát huy. Đó là sự khác biệt, độc đáo của thế giới loài người - kể cả khi trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng ngày càng rộng rãi và trở nên phổ biến trong cuộc sống của chúng ta.
Xuân Nhâm Dần 2022 mở ra với nhiều ước vọng về sự hồi sinh và phát triển!
Bình luận (0)