"Nhiều người nói chính vì hộ dân xả rác nên kênh mới ô nhiễm như vậy. Nhưng xin thưa người dân nơi đây không dại để đi tự hại mình" - ông Phạm Văn Ðồng (70 tuổi, nhà trong con hẻm trên đường Nguyễn Phúc Chu, quận Tân Bình, TP HCM) nói về tình trạng rác làm nghẽn dòng chảy, gây ô nhiễm nghiêm trọng lòng kênh Hy Vọng.
Hy vọng từ kênh Hy Vọng
Theo ông Ðồng, suốt 10 năm qua, nước kênh Hy Vọng luôn đen kịt, mùi hôi nồng nặc. Ngần ấy năm cũng là thời gian ông và nhiều người sống cạnh kênh Hy Vọng chia nhau từng ngày vừa vớt rác vừa canh người đến đổ trộm. "Việc đổ rác trộm xảy ra liên tục khiến tôi phải mắc võng ngủ ngay trước hiên nhà. Nửa đêm nghe tiếng xe máy hoặc xe ba gác chạy ngang là bật đèn pin rọi ra ngoài để dọa" - ông Ðồng nói và cho hay riêng ông đã bắt quả tang hàng trăm trường hợp. Ðể chứng minh, ông Ðồng dẫn chúng tôi "mật phục" ở trước nhà số 10 đường Tân Sơn (quận Tân Bình). Chỉ trong buổi trưa đã chứng kiến 3 xe ba gác chở đầy rác xây dựng đổ vào khu đất cạnh bờ kênh, mặc cho phần gạch, đá rơi xuống kênh nước. "Do đây là khu vực đất của quân đội và sân bay nên người dân chúng tôi không làm được gì. Nhưng nếu không cải tạo con kênh này sớm thì thời gian tới đây các khu vực xung quanh sẽ ngập tứ bề" - ông Ðồng nói.
Việc mong ngóng con kênh Hy Vọng sớm được cải tạo không chỉ từ các hộ dân mà từ lâu sân bay Tân Sơn Nhất mong mỏi không kém. Bởi nếu rác tiếp tục đổ xuống kênh sẽ tắc nghẽn dòng chảy và gây ra cảnh ngập nước bên trong sân bay và thảm cảnh này cũng đã từng xảy ra...
Bình luận về thực trạng trên, kiến trúc sư Lê Thành, Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam, cho rằng cần gấp rút triển khai dự án để giải cứu kênh Hy Vọng. Theo ông, giải pháp tốt nhất và bền vững nhất là nạo vét và xây dựng đường ven kênh. "Bấy lâu nay, kênh Hy Vọng giống như một mương thoát nước tự nhiên. Vào mùa khô, nơi đây nước rất cạn nên không nhất thiết mở rộng kênh mà chỉ cần nạo vét và đào sâu cùng với lắp đặt hệ thống xử lý nước thải. Làm như vậy đỡ tốn kém và sẽ sớm có con kênh xanh như mong muốn" - kiến trúc sư Lê Thành phân tích.
Trong khi đó, kỹ sư Lê Văn Hào, giám đốc một công ty xây dựng ở TP HCM, đưa thêm giải pháp là ngoài chỉnh trang kênh Hy Vọng, TP cần xây dựng thêm hệ thống đường ống thoát nước mới, được chôn ngầm dưới đáy kênh Hy Vọng. Theo đó, nối từ bên trong sân bay ra thẳng kênh Tham Lương. Khi xảy ra mưa, máy bơm được bố trí các điểm ngập để hút nước dư thừa đẩy vào hệ thống ống cống mới và đưa thẳng ra ngoài. "Nếu áp dụng cách làm này thì chỉ cần nạo vét lòng kênh Hy Vọng, giảm phần giải phóng mặt bằng, giúp giảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tiết kiệm chi phí làm dự án" - kỹ sư Lê Văn Hào hiến kế.
Kênh Hy Vọng, quận Tân Bình, TP HCM là tuyến quan trọng để thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất và khu dân cư xung quanh. Ảnh: LÊ PHONG
Gấp rút thực hiện
Bàn về đề xuất làm thêm tuyến cống, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm đánh giá hiện tình trạng giao thông trên tuyến đường Trường Chinh đang rất phức tạp, sắp tới cũng "vướng" thi công tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Vì vậy, nếu triển khai thi công thêm đường thoát nước có thể kéo theo ùn tắc, ảnh hưởng đời sống người dân. Theo đó, cách tốt nhất là đẩy nhanh dự án cải tạo kênh Hy Vọng.
Nói về các dự án giải ngập cho sân bay, Sở Xây dựng TP HCM cho hay sân bay Tân Sơn Nhất có 3 hướng thoát nước chính: thoát ra kênh Hy Vọng, chảy ra kênh Tham Lương; thoát ra mương A41, chảy ngầm dưới đường Út Tịch thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và hướng thoát ra mương A75 rồi chảy ra mương Nhật Bản. "Hiện cả 3 hướng thoát nước đều đang bị rác bủa vây, lòng kênh nhỏ hẹp, bị lấn chiếm và việc triển khai dự án chậm trễ nhiều năm khiến sân bay thường ngập vào mùa mưa, gây mất an toàn hàng không. Do đó, TP HCM luôn quan tâm, phối hợp các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án giúp giảm ngập khu vực sân bay khi mùa mưa sắp tới" - lãnh đạo Sở Xây dựng nói.
Đối với kênh Hy Vọng, 8 năm trước đã được lập phương án cải tạo kênh hở dài hơn 1,1 km kết hợp làm đường hai bên. Sau đó, việc cải tạo kênh trở thành hạng mục thuộc dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP HCM, sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Thế giới ngưng tài trợ vào năm 2017, TP HCM chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thành công việc thuộc dự án và quyết toán để tìm nguồn vốn khác.
Ðể đẩy nhanh dự án, mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM đã gửi tờ trình cho Sở Xây dựng, đề xuất chủ trương đầu tư công trình dự án cải tạo kênh Hy Vọng giai đoạn 2021-2025 bằng nguồn vốn ngân sách TP với tổng mức đầu tư hơn 1.980 tỉ đồng, trong đó chi phí đền bù giải tỏa gần 1.600 tỉ đồng, số còn lại dành cho công tác nạo vét, làm sạch lòng kênh. Dự án dài 1.117,5 m, điểm đầu đường Phạm Văn Bạch, điểm cuối giáp kênh Tham Lương. Toàn tuyến bố trí 55 hố thu để chờ kết nối thoát nước mưa lưu vực dọc hai bên bờ rạch và xây dựng mới 9 cống xả, đường giao thông dọc hai bờ kênh rộng 6 m... Dự án này ngoài nhiệm vụ chống ngập úng cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và một phần lưu vực khoảng 51,3 ha, còn giúp khắc phục ô nhiễm môi trường cho người dân sinh sống hai bên bờ kênh.
Ngoài ra, đại diện Sở Xây dựng TP còn nhấn mạnh trong năm nay phải gấp rút thực hiện các dự án chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất, bởi nhà ga T3 đang chuẩn bị khởi công nên các hướng thoát nước để bảo đảm chống ngập cho sân bay phải lập tức được tiến hành.
UBND TP HCM cần đẩy nhanh thủ tục, sớm triển khai dự án cải tạo kênh Hy Vọng và kênh A41, bảo đảm khả năng thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất".
Ông LÊ ANH TUẤN, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
Bình luận (0)