xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mong trao quyền tự chủ đại học trọn vẹn hơn

Bài và ảnh: Huế Xuân

Đại diện các trường học cho rằng vẫn còn một số quy định chồng chéo khiến các trường phải cân nhắc kỹ lưỡng

Ngày 20-9, đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, HĐND TP HCM, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) và phổ thông trên địa bàn tham gia hội thảo "Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế".

Đổi mới từ cơ bản đến nâng cao

Tại hội nghị, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Lê Hồng Sơn khẳng định hành trình 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, nền giáo dục TP HCM đã có những đổi mới từ cơ bản đến nâng cao.

Chia sẻ về những thành tích đạt được trong thời gian thực hiện Nghị quyết 29, GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, nhà trường đã có những chuyển biến về chất lượng trong công tác đào tạo. Đội ngũ giảng viên chủ chốt của trường được tạo điều kiện tham gia sâu vào quá trình xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. "Trước đây, việc viết sách giáo khoa được xem như nhiệm vụ, không được chấm thêm thù lao. Những năm gần đây, trường tạo điều kiện hỗ trợ thêm thù lao cho các giảng viên viết sách và nghiên cứu khoa học. Nguồn kinh phí đã góp phần động viên tinh thần cán bộ nghiên cứu" - GS Huỳnh Văn Sơn cho biết.

Mong trao quyền tự chủ đại học trọn vẹn hơn - Ảnh 1.

TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, phát biểu tại hội thảo

Thực hiện Nghị quyết 29, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM) đã phát triển quy mô đào tạo ĐH và sau ĐH phù hợp với định hướng trường ĐH nghiên cứu, phát triển các chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của xã hội, bảo đảm chất lượng đào tạo theo chuẩn khu vực và các chuẩn quốc tế có uy tín. Trường cũng là đơn vị đi đầu thực hiện thành công Đề án đào tạo song ngành nội bộ ĐHQG. Bên cạnh nguồn đầu tư của nhà nước đối với các dự án, công trình trọng điểm, Trường ĐH Kinh tế - Luật đã triển khai xây dựng cơ sở vật chất các tòa nhà học tập, văn phòng khối làm việc các khoa đào tạo từ "Chương trình kích cầu đầu tư của TP HCM".

Các trường ĐH, CĐ trên địa bàn đánh giá Nghị quyết 29 đã phát huy tốt vai trò phối hợp của gia đình với nhà trường và xã hội trong giáo dục thế hệ trẻ. Xã hội hóa giáo dục - đào tạo đạt kết quả tích cực. Hệ thống giáo dục - đào tạo từ công lập đến ngoài công lập đã góp phần đáng kể vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và cả nước...

TS Lê Hồng Sơn đánh giá cao sự nỗ lực cải tiến giáo dục, đề ra nhiều sáng kiến, dự án nghiên cứu khoa học của các trường học trên địa bàn. Nhiều ý kiến chia sẻ các mô hình, giải pháp hay và bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo đổi mới.

Nỗi lo vượt chỉ tiêu tuyển sinh

Bên cạnh những điểm sáng, đại diện các trường học cho rằng vẫn còn nhiều bất cập như còn một số quy định chồng chéo khiến trường học phải "đổ mồ hôi" cân nhắc kỹ lưỡng.

Bày tỏ về nỗi sợ tuyển sinh "vượt chỉ tiêu 3%", TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM - cho biết nhiều trường ĐH vì không thể kiểm soát được tỉ lệ thí sinh ảo nên buộc phải tuyển vượt chỉ tiêu. Đề xuất về mức vượt chỉ tiêu hợp lý, theo TS Trần Đình Lý, cần cân nhắc điều chỉnh lên mức từ 5%-7%. "Nếu lấy điểm chuẩn cao quá thì không tuyển đủ sinh viên, nếu điểm chuẩn thấp quá thì lại vượt chỉ tiêu. Con số chênh lệch 3% quá thấp, đây là bài toán cân não với các trường" - TS Trần Đình Lý đánh giá. Bên cạnh đó, TS Trần Đình Lý mong muốn Nghị quyết 29 sẽ có những chỉnh sửa, bổ sung về chính sách khen thưởng dành cho các doanh nghiệp có đóng góp thiết thực vào công cuộc giáo dục của TP HCM.

Tại phần thảo luận, PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), nhận định: "Nếu ĐH không có sự tự chủ trong giáo dục học thuật thì đó không phải giáo dục ĐH". PGS- TS Hoàng Công Gia Khánh mong muốn trường được trao quyền tự chủ trọn vẹn hơn, bao gồm tự chủ trong việc tuyển sinh, chương trình đào tạo, phương thức giảng dạy, tự quyết định tài chính, bổ nhiệm người đứng đầu đơn vị.

TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TP HCM, cho biết giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn còn nhiều khó khăn cần phải giải quyết như: chưa có đủ quỹ đất sạch cho phát triển cơ sở, trang thiết bị đào tạo đa phần chỉ dừng ở mức đầu tư tối thiểu theo quy định; việc chuyển giao, nhân rộng các chương trình theo chuẩn quốc tế chưa đồng bộ; thâm dụng tỉ trọng lao động phổ thông, công nghệ lạc hậu… Mỗi năm, hơn 80% học sinh, sinh viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp ở nhiều nghề và nhiều cơ sở GDNN. Lao động qua đào tạo tham gia vào hầu hết lĩnh vực và đã đảm nhận được nhiều vị trí, công việc phức tạp.

Đại diện các trường GDNN đề xuất các bộ, ngành tập trung tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để GDNN gắn chặt với thị trường lao động, tăng cường tính mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng; chú trọng phân luồng GDNN sớm; thu hút 40%-45% học sinh tốt nghiệp vào GDNN (bao gồm học sinh tốt nghiệp THCS và THPT); tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong hoạt động GDNN; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia GDNN từ khâu tuyển sinh đến đào tạo và đặt hàng đào tạo... 

Cơ hội lớn để phát triển giáo dục

Theo TS Lê Hồng Sơn, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM sẽ là cơ hội lớn để thành phố tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế trong giáo dục, từ đó góp phần thúc đẩy đổi mới giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo